Cái giá phải trả của một lần tham

congly.com.vn| 13/04/2012 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếc một ngày vất vả chở khách hết leo rừng, vượt dốc, ông Thơ miễn cưỡng nhận cục ma túy mà hai vị khách đưa cho gọi là trả tiền công. Vì chẳng bao giờ giao tiếp với con nghiện nên ông để cục ma túy trên gác bếp cho tới ngày bí tiền đóng học cho con mới mang xuống, không ngờ bị bắt ngay khi vừa rao bán. Ở tù với ông không đau bằng việc hai đứa con vì cám cảnh cha tù tội mà con g�

Chuyện của gia đình ông Hà Văn Thơ, SN 1956, phạm nhân đang cải tạo ở trại giam số 5 có lẽ mãi là bài học nhớ đời đối với người dân xã Hiền Chung, huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông Thơ có vợ, hai con một trai một gái, cả nhà đều chăm chỉ, hiền lành, vậy mà phút chốc tan hoang cả. Vợ chết, ông Thơ và con trai vào tù, ở ngoài đời chỉ còn mỗi cô con gái Hà Thị Thái, làm giáo viên nhưng suốt ngày bươn chải vì lo kiếm tiền chu cấp cho bố và em trai hàng tháng. Nhiều người tỏ ra thương xót cho gia đình ông Thơ song cũng có kẻ độc miệng lại bảo tại ông tham nên mới chết.


Sinh ra ở bản vùng cao, ông Thơ may mắn lấy được người vợ hiền, chăm chỉ. Lấy vợ cùng cảnh nghèo nên họ rất thương yêu nhau, sớm tối bảo ban nhau lam làm nên hai đứa con một trai, một gái đều được cho ăn học đến nơi đến chốn. Cô chị sau nhiều năm đèn sách, trở thành cô giáo dạy tiểu học trong xã, cậu con trai được bố mẹ cho xuống thành phố theo học cấp 3. Cuộc sống của gia đình ông Thơ tưởng như không gì yên ổn hơn cho tới lần vợ ông đột ngột mất vì một tai nạn lao động.

Các phạm nhân đang cải tạo


Hụt hẫng trước cái chết của vợ nhưng vì tương lai của đứa con trai út đang theo học ở thành phố, ông Thơ bàn với con gái mua một chiếc xe máy trả góp để những khi công việc đồng áng đã gọn, ông có thể́ chở xe ôm, kiếm thêm ít tiền. Do chăm chỉ nên từ ngày chạy xe ôm, ông Thơ cũng kiếm được chút đỉnh, cùng với số tiền con gái dành dụm, đủ để gửi cho con trai ăn học.


Trong một lần được hai người H’Mông thuê chở từ Quan Hóa lên Mường Lát với giá 300.000 đồng, ông Thơ khấp khởi mừng thầm vì nghĩ chuyến đi đường rừng vất vả sẽ đủ tiền đóng học một tháng cho con, ai dè kết thúc chuyến đi đó, trong túi hai vị khách chẳng còn lấy một nghìn lẻ. Trước tình thế không thể cho nợ, hai vị khách đề nghị được thanh toán tiền xe bằng 3 phân ma túy. Tiếc số tiền công đã thỏa thuận, tiếc công mình cả một ngày đường khó nhọc, sau một hồi ngần ngại, ông Thơ đã đồng ý nhận số ma túy kia mà trong đầu chưa hình dung sẽ hoán vị nó thành tiền như thế nào.


“Thật lòng tôi cũng biết ma túy là nguy hiểm, là phạm pháp nhưng vì tiếc cả một ngày đường vất vả nên cầm về rồi mà tôi có biết bán cho ai đâu, cứ để trên gác bếp, lắm lúc tưởng quên mất rồi cho tới khi con trai điện thoại về xin tiền”, người đàn ông luống tuổi, mái tóc bạc quá nửa phân trần về con đường phạm tội của mình. Gần nửa năm trời kể từ khi nhận công chở khách bằng ma túy, Thơ mới đem gói hàng trắng giấu trên gác bếp đi bán nhưng cũng chẳng biết bán cho ai vì đâu phải ai cũng biết chỗ mua bán ma túy. Dò hỏi mãi rồi Thơ cũng tìm được một con nghiện để trao đổi và trong lúc người đàn ông này đang lớ ngớ thỏa thuận đổi gói ma túy bằng đúng số tiền công chở khách trước đó thì bị bắt. Với 3 phân ma túy, Thơ phải trả giá bằng mức án 11 năm tù.


Đang là học sinh khá giỏi, trước biến cố bố đi tù về tội tàng trữ, mua bán ma túy, con trai Thơ đã không đủ nghị lực vượt qua. Số lần đến lớp của chàng trai này mỗi ngày một ít đi để rồi chỉ vài tháng sau khi bố bị bắt, chưa phải ra trước vành móng ngựa thì cậu đã bỏ học. Lang thang ở thành phố không dám về nhà vì sợ chị gái lo lắng, con trai Thơ đàn đúm với đám bạn xấu rồi bị bắt do lừa lấy xe máy của chú ruột bán lấy tiền ăn tiêu.


Bố đi tù, em trai cũng vào trại giam, gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai mảnh mai của người con gái. Đến tuổi lập gia đình nhưng chưa một lần con gái Thơ dám tơ tưởng tới chuyện tìm cho mình một mái ấm gia đình vì sợ trách nhiệm thăm nuôi cha và em, vì chuyện riêng tư của cô mà bị bỏ lửng. Cô không đủ can đảm để bày tỏ điều này với một ai đó vì sợ nói ra sẽ chẳng có ai đủ can đảm sẻ chia với cô gánh nặng gia đình thành ra những cuộc tìm hiểu cứ vuột trôi theo năm tháng. Mỗi tháng được ra gặp người thân, nhìn con gái ngày càng mảnh mai vì làm việc cực nhọc, lòng người cha đang tù tội như có ai cào xé. Nước mắt cứ lặn chảy vào trong, duy chỉ có mái tóc không giấu nổi muộn phiền, bạc nhanh trông thấy. Thơ tự trách mình vì quá tiếc công, tiếc của làm tương lai của hai con trở thành tăm tối. Giá như ông không quá tiếc công chở khách một ngày ròng rã để nhắm mắt nhận liều gói hàng chết người kia thì có lẽ cuộc đời con gái ông đã khác, không phải thân cò lẻ bóng như bây giờ và con trai ông có lẽ giờ này đàng hoàng ngồi trên giảng đường đại học. Chỉ tại ông mà cuộc đời con trai uổng phí, con gái cũng chẳng dám nghĩ tới chuyện riêng tư vì còn phải lo cho bố và em.


Thương con mà không thể khóc, mỗi khi ra gặp con gái, ông lại cố gượng cười rồi huyên thuyên đủ thứ chuyện rằng mình rất thoải mái, chẳng thiếu thứ gì để con gái vui lòng, chuyển số quà mang vào cho con trai. Trong đầu người phạm nhân luống tuổi này chỉ quanh quẩn ý nghĩ phải lao động tích cực để sớm trở về bởi đó là con đường ngắn nhất để con gái ông sớm tìm được hạnh phúc trước khi quá muộn.

Nguyễn Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái giá phải trả của một lần tham