Gánh nặng cơm áo gạo tiền thực sự đã lôi tuột Nguyễn Văn Kính từ nghèo khó xuống tận cùng địa ngục của sự nghèo khó. Kính đã từng vô cùng “bất mãn” với hoàn cảnh thiếu trước hụt sau triền miên cho nên Kính đã chọn cách lặng thinh, thỏa hiệp để rồi phải hối hận.
Nguyễn Văn Kính (SN 1996, trú xã Triệu Thuận, H. Triệu Phong, Quảng Trị) vì nghĩ rằng nếu sự im lặng của mình sẽ một lần “cải vận” thì cứ vậy “nhắm mắt” liều xem sao. Nguyễn Văn Kính cũng nghĩ, cuộc đời luôn có xác suất may rủi, y không tin “vận hạn” có thể cứ đúng bản thân anh ta một lần mà buộc lại. Chính Nguyễn Văn Kính không ngờ vì những suy nghĩ nông cạn này đã khiến y phải nhận về một kết cục bi thảm như hôm nay.
Nói một cách không dối lòng, hiện tại Nguyễn Văn Kính “thèm” được nghèo như xưa, nếu được quay lại và dừng ở thời điểm đó, cứ nghèo, cứ khó, thậm chí có nghèo khó hơn nữa thì Kính cũng sẽ vô cùng hạnh phúc… Nói như vậy không có nghĩa, Kính của hiện tại đã… hết nghèo, nói chính xác hơn y còn chưa kịp biết cảm giác “bớt nghèo” sẽ như thế nào thì đã bị bắt. Nghèo, nhưng ít ra Nguyễn Văn Kính vẫn là đứa con tận hiếu bên cạnh mẹ cha, nghèo nhưng người thân không phải đau lòng như hiện tại.
Nguyễn Văn Kính là lao động chính trong gia đình thuần nông ở bên hạ lưu sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Kinh tế vốn eo hẹp, người thân lại ốm đau nặng nên Nguyễn Văn Kính trở thành lao động chính của gia đình, làm đủ việc để trang trải cuộc sống. Ngoài việc đồng áng, Kính còn làm thợ sơn, thợ “đụng”.
Đêm về, Kính còn ra sông quăng lưới đánh cá, ít thì để ăn, nhiều bán đi gom góp ít tiền lo việc khác. Mặc dù “đầu tắt mặt tối” đến vậy nhưng lại chẳng dư ra đồng nào cho Kính sửa chiếc xe máy cà tàng để đi. Nguyễn Văn Kính từng nghĩ há chẳng phải cuộc đời này đã quá bất công, tiền bạc cứ như thể chán ghét rồi cứ vậy mà ruồng bỏ anh ta. Cũng thuộc dạng chịu thương chịu khó nhưng “ngân xuyến tiền trần” thì chẳng lúc nào đọng lại, đó là điều khiến Kính bất mãn nhất.
Một ngày nọ, theo lời nhờ của người anh họ, Nguyễn Văn Kính đã nhận giúp người này một túi đồ và mang về nhà cất giữ. Sau đó, Kính phát hiện ra bên trong là ma túy. Đáng nói, trong muôn vàn cách giải quyết, Kính đã chọn lặng thinh, thỏa hiệp. Đó chính là lý do Kính có mặt tại tòa ngày hôm nay.
Nguyễn Văn Kính bị TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” khi chỉ còn vài ngày là đến Tết Nguyên đán 2023. Trong vụ án này còn có Lê Thế Lĩnh (SN 1993, trú xã Tân Lập, H. Hướng Hóa, Quảng Trị) bị truy tố về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Nội dung vụ án được thể hiện, đêm 19/10/2021, lực lượng Công an làm nhiệm vụ tại địa bàn, kiểm tra hành chính chỗ ở của Nguyễn Văn Kính. Lúc này, Kính bất ngờ khai báo hành vi cất giấu ma túy trong nhà và giao nộp 1 túi vải màu đỏ, bên ngoài có in dòng chữ “Chúc mừng năm mới”, bên trong chứa 3 túi tinh thể màu trắng (khoảng 3kg); 1 túi màu vàng chứa 10 gói ni-lông nhỏ có chất rắn tương tự. Tổng trọng lượng gần 4kg, nghi là ma túy ketamin. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tiếp nhận người phạm tội ra tự thú đối với Nguyễn Văn Kính về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Cánh cửa nhà tù mở ra cũng chính là khi cảm xúc của những người như Nguyễn Văn Kính và Lê Thế Lĩnh vô cùng hỗn loạn (Ảnh minh họa).
Nguyễn Văn Kính khai, nguồn gốc số ma túy trên là từ Lê Thế Lĩnh, anh họ của Kính. Một ngày sau, Công an Quảng Trị đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Thế Lĩnh. Nguồn gốc và hành trình của “túi quà” được lộ dần ngay sau đó. Cụ thể, vào chiều 18/10/2021, Lê Thế Lĩnh được một người đàn ông tên Hùng (không rõ lai lịch, địa chỉ) liên lạc điện thoại đặt vấn đề thuê Lĩnh vận chuyển 4kg ma túy dạng đá loại ketamin. Đúng lúc gặp khó khăn việc làm do dịch Covid-19, Lĩnh liền nhận lời.
Theo thỏa thuận, Hùng sẽ giao ma túy cho Lĩnh tại TP Đông Hà để vận chuyển giao lại cho người nhận, tiền công người này trả cho Lĩnh là 40 triệu đồng, trường hợp nếu nhận giao tại TP Huế thì tiền công sẽ là 80 triệu đồng.
Lê Thế Lĩnh trả lời chỉ nhận “trung chuyển” tại TP Đông Hà và gọi điện cho Nguyễn Văn Kính nhờ nhận giúp túi hàng nói trên. Không biết túi hàng này là ma túy, chỉ nghĩ đồ vật bình thường nên Kính đồng ý. Khoảng 12 giờ ngày 19/10/2021, Hùng gọi điện báo cho Lĩnh hàng sẽ về trong chiều cùng ngày và lấy số điện thoại của người trực tiếp nhận ma túy để liên hệ. Lĩnh cho Hùng số điện thoại của Kính. Hùng cũng căn dặn Lĩnh nhận hàng thì lấy 1kg trong số đó chia ra 10 gói nhỏ.
Đến gần 13 giờ cùng ngày, Nguyễn Văn Kính theo hướng dẫn đến cầu Đại Lộc nhận “túi hàng” từ một người không rõ lai lịch. Đó là chiếc túi vải màu đỏ, bên ngoài có dòng chữ “Chúc mừng năm mới”, bên trong có 4 gói ni-lông. Mang về nhà, Kính lấy 1 gói ra cất riêng ở tủ quần áo còn 3 gói ni-lông trong túi vải màu đỏ thì đưa ra giấu ở phía trên chuồng lợn bỏ hoang sau nhà. Xong xuôi, Kính báo cho Lĩnh biết rồi lại ra đồng thu lưới đánh cá.
Lĩnh từ nhà trọ (tại TP Đông Hà) điều khiển xe máy đến nhà Kính, không gặp Kính nhưng đã chủ động vào tủ quần áo lấy gói ma túy rồi đưa đến gần chùa Triệu Thuận để chia lẻ ra 10 gói nhỏ vào ni-lông trong suốt. Sau đó, Lĩnh quay lại nhà Kính, gặp và đưa túi ni-lông cho Kính cất giữ.
Sau đó, Kính mở ra thì nhận biết đó là ma túy tổng hợp (bởi hình ảnh được cảnh báo nhiều trên báo chí, mạng xã hội). Đáng ra Kính phải báo lại Lĩnh và từ chối giúp thì anh ta lại tiếp tục cất giấu vì nghĩ đến lời Lĩnh “chiều 19/10/2021 sẽ có người đến lấy số ma túy này” và sau đó Kính sẽ được nhận một số tiền để tiêu xài, để sửa xe… nên y đã chọn cách im lặng. Qua giám định, tổng số ma túy có khối lượng 3.948,14g là ma túy ketamin.
Tại tòa, cả Nguyễn Văn Kính và Lê Thế Lĩnh đều thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Nguyễn Văn Kính lý giải, vì sự nghèo khó làm cho suy nghĩ bản thân bức bối, đặc biệt đến cái xe cà tàng hỏng cũng không có tiền để sửa nên khi được hứa cho tiền, bị cáo nhắm mắt làm luôn. Bị cáo nghĩ, “chỉ để đó, người ta đến nhận… không nghĩ sẽ…”.
Bài học đắt giá liên quan đến ma túy, Kính cũng nghe, thấy nhiều nhưng Kính tự “trấn an” bản thân không thể xui ngay lần đầu. Thực tế thì Kính không kịp có cơ hội để suy nghĩ lại, để thay đổi, để từ chối hay thậm chí để có một lần có cảm giác cầm trên tay một số tiền “kha khá” sẽ như thế nào.
Người nhà của Kính rất cần y, họ sẽ sống những ngày tháng trước mắt ra sao khi phải mất 20 năm xa cách. Với Kính, sự ân hận này không có ngôn từ nào có thể nói hết, “sai một ly, đi một dặm”- cái sai này Kính phải trả giá những tận 20 năm. Lĩnh- anh họ của Kính lại càng bi thảm hơn, sự trả giá của việc “Vận chuyển trái phép chất ma túy” là bản án tử hình.
Cánh cửa xe chở phạm đóng lại như đóng luôn cánh cửa cuộc đời của Lê Thế Lĩnh, cũng đóng luôn một chặng tương lai dài của thanh niên Nguyễn Văn Kính. Nếu như được một lần ước, Kính sẽ không ngần ngại ước thời gian dừng lại ngay trước ngày nhận lời đi nhận hàng giúp anh họ, ước được sống trong nghèo khó bao vây nhưng đổi lại được tự do, ước được sống trọn vẹn bên gia đình. Tiếc rằng, tất cả chỉ dừng lại và cũng kết thúc ở chữ… ước!.