Nghề báo đưa đẩy tôi gặp và viết về rất nhiều nhân vật ở mọi giai tầng xã hội. Mỗi người trong số họ, bằng câu chuyện trải mở về đời mình, ít nhiều để lại ấn tượng cho tôi trong một khoảng thời gian nhất định.
Duy chỉ có những đứa trẻ vùng cao, những "thiên thần của núi" đang phải sống trong cảnh thậm nghèo, thậm khổ giữa sương mây mà tôi đã từng gặp trong các chuyến lang thang của mình là để lại nhiều ấn tượng sâu đậm và dai dẳng nhất. Câu chuyện về chúng, như một dấu lặng buồn trên núi cao...
Số phận thảm sầu dưới chân núi Nà Lìa
Những đứa trẻ vùng cao ấy, phần lớn chúng được sinh ra trong các gia đình mà cái nghèo, cái đói được truyền nối từ đời nọ đến đời kia. Tôi đã từng chứng kiến có những cậu bé Mông, Giao, Tày, Giáy trần truồng, tím tái, thịt da ngoang nguếch khoác cả mùa đông chạy lông nhông ngoài bìa rừng mót củ khoai, củ sắn hoặc bất cứ thứ gì nghi ngờ ăn được để bỏ vào mồm. Nhiều em còn đủ cả ông bà, bố mẹ, cô, dì chú bác nhưng chúng phải sống một cuộc đời lầm bụi chả khác gì trẻ mồ côi. Ngày tự lê la kiếm cái ăn cái uống, tối mò về vạ vật đâu đó ngủ thiếp đi, chúng lớn lên chả khác gì cây cỏ.
Trong những trường hợp ấy, có lẽ hiếm cô bé, cậu bé nào có số phận thảm sầu như Nguyễn Thị Nguyệt, người dân tộc Tày, ở bản Nà Lìa, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Nguyệt SN 2005, mẹ bỏ nhà ra đi từ khi em lên 7, còn bố vùi đầu vào rượu. 7 tuổi, Nguyệt đã phải đánh vật lo chuyện áo cơm cho mình và mấy đứa em. Không những thế, thỉnh thoảng em còn phải chống chọi lại với những cơn đau đến tím tái thịt da do căn bệnh tim quái ác hành hạ.
Ba chị em Nguyệt đi "kiếm ăn"
Nhà Nguyệt nghèo, tranh tre nứa lá. Bố Nguyệt người Tày, mẹ người Dao, chữ nghĩa đều không biết, nói tiếng Kinh như nhặt thóc. Họ lấy nhau được vài năm thì ba chị em Nguyệt ra đời. Tất tật cả 5 miệng người chỉ trông vào mấy mảnh nương, bữa đói nhiều hơn bữa no, thân người như thân ngô, phất phơ, hiu hắt. Dù thấy con nay ốm mai đau, bố mẹ Nguyệt cũng đành chịu. Miếng cơm manh áo thúc vào sườn họ bức bối, chuyện thuốc men, chữa trị cho con là quá xa vời.
Chán cảnh sống trong đói nghèo thăm thẳm, ngày 7/5/2012, mẹ Nguyệt rũ áo ra đi với lời hẹn: "Bao giờ có tiền mẹ sẽ về và mua cho mấy chị em quần áo mới!". Từ bấy đến giờ, mẹ Nguyệt vẫn "bặt vô âm tín". Còn Nguyệt, vẫn có độc bộ quần áo được bà nội mua cho từ năm lên 6. Giờ nó ngắn cũn cỡn, Nguyệt mặc thò nguyên nửa ống chân. Người trong bản thì đồn đoán mẹ Nguyệt bị lừa bán sang bên kia biên giới như bao người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn, nhưng bố Nguyệt thì cứ nhất định tin là mẹ đi với người đàn ông khác.
Kể từ ngày vợ bỏ đi, Nguyễn Văn Viền (SN 1984, người dân tộc Tày, ở bản Nà Lìa, xã Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn), bố Nguyệt, vì buồn chán nên cũng thường hay rượu. Có khi Viền vác gùi, xách dao đi bặt đến mấy ngày, mọi việc trong gia đình đều giao phó cho con gái. Nguyệt vừa làm chị, vừa phải “làm mẹ” của hai đứa em trứng gà trứng vịt. Từ chuyện tắm rửa, giặt giũ đến cơm nước cho các em, Nguyệt đều phải đảm trách.
Nguyễn Thị Nguyệt những ngày chờ "sửa" tim
Hôm tôi theo chân thầy Nguyễn Văn Thắng, giáo viên trường Tiểu học Hữu Kiên đến thăm nhà Nguyệt đúng lúc mấy chị em đang chuẩn bị bữa chiều. Trong căn bếp tràn trụa khói, Nguyệt đang cố vùi mấy củ khoai xuống dưới đống than. Đám củi ướt rượt, ánh lửa chưa kịp xòe lên đã vội tắt, khói cuồn cuộn thốc lên, cay xè. Trong khi Nguyệt mải đánh vật với đám lửa lập lòe, hai đứa em nhao lên vì đói. Nguyệt kể, mấy hôm nay nhà hết gạo, bố thì đi rừng, sáng nào Nguyệt cũng phải dẫn hai em mò mẫm lên nương. Bất cứ thứ gì đồng bào bỏ sót từ bắp ngô, củ khoai, củ sắn, thậm chí là mấy đọt măng rừng cũng đều được mấy chị em Nguyệt đem về “chế biến” thành bữa ăn.
Đầu năm 2012, thấy Nguyệt ngất lên ngất xuống, mấy thầy cô giáo Trường Tiểu học Hữu Kiên thương tình liền cóp nhóp tiền bạc đưa em đi khám. Lên huyện, lên tỉnh, các bác sỹ bảo em bị bệnh tim bẩm sinh, mạch máu liên tục nghẽn, tắc gây đau đớn. Nếu không phẫu thuật sớm, Nguyệt sẽ rất khó để tiếp tục duy trì sự sống. Cực chẳng đã, họ phải vời đến các cơ quan báo chí. Sau khi các nhà báo vào cuộc, trong đó có báo Công Lý, rất may đã có một doanh nghiệp đứng ra tài trợ. Tháng 1/2013, Nguyệt được đưa xuống Khoa Phẫu thuật Tim Mạch - Bệnh viện Việt Đức để “sửa” tim. Giờ, Nguyệt đã về lại Hữu Kiên. Quả tim mới được “sửa sang” không còn khiến em bị những cơn đau hành hạ nữa, thế nhưng em lại bị hối thúc bởi nỗi lo xưa cũ, nỗi lo cơm áo gạo tiền. Câu nói của Nguyệt: “Cháu chỉ mong mẹ trở về, mong trong nhà lúc nào cũng có gạo để ăn" vẫn ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ.
“Đầu xanh có tội tình gì”?
Và, điều đáng nói ở đây là cái ước mơ "mong trong nhà lúc nào cũng có gạo để ăn" của Nguyệt không hề cá biệt, nó hiển hiện trong mỗi góc làng, xó bản khắp các miền rừng mà tôi đã từng qua. Người miền núi nghèo, cái sự nghèo của họ thì có đến ngàn vạn lý do, nhưng chủ yếu là do đất canh tác ít, phương pháp cấy trồng lạc hậu, thiên tai, dịch bệnh hoành hành, và phần nữa là bởi đông con.
Có những ông bố bà mẹ mà tôi gặp, khi hỏi tên đám con "đông đàn dài lũ" của mình, họ vò trọc cả tóc vẫn không thể nghĩ ra. Thông thường thì họ hay lấy cái nghèo, cái đói ra để che đậy, bao biện cho sự vô tâm đối với ràng ruột máu mủ của mình. Nhưng, bất luận vì lý do gì thì cũng phải nói rằng, những ông bố, bà mẹ ấy đã rất nhiều khi vô trách nhiệm, đã mê muội tột cùng, đã ích kỷ và hư đốn đến thảm thương, để rồi họ vô tình hay hữu ý quăng con cái mình vào chồng chất khổ đau từ lúc miệng còn hơi sữa.
Thậm chí, có những người đàn ông ngang nhiên chung sống cùng dăm ba bà vợ, bà nào bà nấy quần quật đẻ hết năm này qua năm khác để miệng ăn trong gia đình cứ "tằng tằng" năm sau tăng hơn năm trước. Các ông bố bà mẹ ấy thỏa sức đẻ rồi bỏ mặc những đứa trẻ vạ vật lớn lên như cây cỏ, “đầu xanh có tội tình gì”?
Tác giả cùng "Vua đẻ" Giàng Chờ Tủa
Khi tôi đem câu hỏi ấy đến nhà "vua đẻ" Giàng Chờ Tủa ở bản Huổi Chạ, Nậm Vì, Mường Nhé, Điện Biên thì chỉ nhận được cái cười xòa: "Không biết đâu, tại vợ nó cứ đẻ mà. Người Mông ở đây ai chả thế!". Chính vì cái "không biết đâu" ấy mà sau 40 năm chăn gối, vợ chồng ông Tủa đã cho ra đời 19 đứa con, đứa lớn nhất vừa chạm tứ tuần, đứa nhỏ nhất mới hơn 10 tuổi. Cũng nhờ cái kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" ấy mà ông Tủa được cộng đồng người Mông khắp vùng ngã ba biên giới tấn phong là: “Ông vua đẻ của núi rừng Tây Bắc”.
Chả biết cái kỷ lục ấy có làm ông Tủa tự hào về chuyện “gối chăn, giường chiếu” của mình hay không, chỉ biết rằng, khi đến thăm cái đại gia đình nằm tít tịt lòng thung Huổi Chạ ấy, khách thấy lòng nặng trĩu khi phải chứng kiến những đứa trẻ èo uột sống trong đói nghèo thăm thẳm. Trong ngôi nhà nằm hoang biệt tội tình bên con suối Nậm Vì chả có gì đáng giá. Giường vách rách tả tơi, nhìn lên thấy lốm đốm trời, chỉ duy có đói nghèo là bao năm nay vẫn còn nguyên vẹn.
Mấy đứa con thứ 17, 18, 19 của ông Tủa, đứa nào cũng ngác ngơ, lấm lem bùn đất, người gầy nhẳng, quắt queo như cọng rơm khô. Phần lớn chúng chưa kịp lớn, chưa kịp đánh vần hết lượt chữ cái thì đều bị bố bắt về đứng vào... danh sách lao động chính. Từ việc trông em, ủ rượu, giặt giũ quần áo đến việc vào rừng chặt củi rồi cõng xuống chợ đổi gạo, chúng đều phải làm. Cứ quần quật từ sáng sớm đến tối mịt như thế nên cái lưng của chúng cứ còng xuống mãi.
Ngôi nhà của "Vua đẻ" Giàng Chờ Tủa
Trong 19 đứa con của mình, ông Tủa chỉ nhớ tên được vài ba đứa, còn hỏi ông đứa thứ 7, thứ 8, hoặc thứ 9 tên là gì, bao nhiêu tuổi thì ông lắc đầu quầy quậy. Ông bảo, giờ lo đủ miếng cơm cho đám con đang tuổi ăn tuổi lớn cũng đã quá khó khăn rồi, thời gian đâu mà ngồi nhẩm lại xem mình có bao nhiêu con và tên tuổi chúng là gì!? Trong đông đàn con cái của “Vua đẻ” thì chỉ có vài ba đứa biết mặt chữ phổ thông, trong đó có cô con út Giàng Thị Chừ. Do là con út nên có vẻ Chừ được "nuông chiều" nhất, bởi "em học hết lớp 4 mà mới bị bố bắt bỏ có một lần, không như chị Sùa, học đến lớp 2 là nghỉ hẳn".
Tôi hỏi Sùa thích đi học không, em hết liếc nhìn bố, nhìn mẹ rồi se sẽ gật đầu. Chìa cây bút với quyển sổ, bảo Sùa thử viết tên mình, cô bé giãy nảy, chạy tít sau nhà. “Đói quá, phải nghỉ ở nhà đi rừng thôi, chứ đi học biết lấy gì mà ăn?!”, ông Tủa quả quyết. Thế nhưng, ngay cả khi đã bắt đủ mấy đứa con lớn nghỉ học, nhà ông vẫn thường xuyên đứt bữa. Chẳng thế mà ngồi cạn một buổi chiều, mặt trời đã lặn xuống đỉnh rừng, vẫn không thấy vợ con ông Tủa nhúc nhắc gì đến chuyện nổi lửa nấu cơm. Chỉ thấy ông lúc lúc lại rúc đầu vào ống điếu, tóp má, tóp miệng để rít, khói thuốc bay vòng vòng…
Giờ, mỗi khi ngoái về phía miền rừng xa ngái giữa tuyệt mù núi cao, vực thẳm Nậm Vì, tôi thật khó có thể cầm lòng. Chả biết rồi đây, cuộc sống của hơn hai mươi con người trong ngôi nhà đó sẽ ra sao, tương lai của những đứa trẻ con "vua đẻ" Giàng Chờ Tủa rồi sẽ thế nào? Câu hỏi ấy, thật khó lời hồi đáp.