Là người kiên trì xóa bỏ chế độ nô lệ, góp phần quan trọng chấm dứt nội chiến Bắc-Nam ở Mỹ (1861-1865), giữ vững sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia, nhưng Lincoln lại trở thành nạn nhân của chính những kẻ đi ngược với lý tưởng của ông.
Kỳ 2: Phát đạn oan nghiệt
Tối 14/4/1865, Abraham Lincoln và Phu nhân Mary Todd tới nhà hát Ford ở Oasinhtơn. Cùng đi với họ có thiếu tá Henry Reed Rathbone thuộc lực lượng quân tình nguyện cùng vợ sắp cưới Clara Harris. Nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống “một tấc không đi, một ly không rời” như thường lệ vẫn thuộc về viên sỹ quan John Parker. 21 giờ 10, nhân viên hướng dẫn Lilysa đưa Tổng thống và những người cùng đi vào phòng VIP. 250 khán giả có mặt trong nhà hát biết tin Lincoln tới xem kịch, đồng loạt vỗ tay hoan hô. Lincoln vẫy tay đáp lại tấm lòng của công chúng.
Tối hôm đó, nhà hát Ford công diễn vở “Our American Cousin” (Cậu em họ người Mỹ của chúng ta) do Tom Taylor viết kịch bản từ 14 năm trước. Lincoln dựa vai vào ghế, hướng về phía sân khấu. Phòng VIP nơi Lincoln ngồi chỉ có 2 cửa: cửa trước mở ra phía sân khấu, cửa sau đã chốt chặt. Xét ở khía cạnh bảo vệ, đây là điều kiện khá lý tưởng. Nhưng không ai ngờ, một ngày trước đó, tên thích khách đã khoét một lỗ rộng khoảng 10 cm ở cửa sau, gần chỗ chốt cửa rồi ngụy trang khéo léo.
Vở diễn chuyển cảnh, sĩ quan cận vệ rời phòng VIP ra sảnh lớn uống cà phê. Không bỏ lỡ cơ hội, tên thích khách thò tay vào nhẹ nhàng rút chốt cửa, lẻn vào nấp ngay sau ghế của Lincoln, đợi thời cơ. Đúng lúc khán giả rộ lên tiếng vỗ tay, tên thích khách rút khẩu Derringer 44 mm, dí sát đầu Lincoln khai hỏa. Đoàng. Tiếng súng vang lên khô khốc. Viên đạn xuyên từ bán cầu não trái sang bán cầu não phải, khiến Lincoln đổ gục xuống cạnh Phu nhân Mary Todd. Thiếu tá Henry nghe tiếng súng nổ lập tức quay lại, lao ra ngoài phòng, nhìn thấy một người đàn ông cao to đang bỏ chạy ở hành lang bên trái khán đài liền đuổi theo, hô to: “Bắt lấy tên kia! Hắn là kẻ ám sát Tổng thống Lincoln.” Tên thích khách chạy ra ngoài cổng nhà hát, trèo lên một con ngựa, nhanh chóng mất hút vào màn đêm.
Tổng thống mỹ Abraham Lincoln
Sau khi Lincoln bị bắn, Phu nhân Mary Todd sợ hãi hét lên: “Trời ơi, có kẻ bắn Tổng thống bị thương rồi! Mọi người hãy giúp tôi với!” Một lúc sau, phía ngoài phòng VIP đã chật người đứng. Vở diễn cũng bị dừng lại. Sau khi để xổng kẻ thủ ác, thiếu tá Henry vội vã quay lại phòng VIP thì thấy Lincoln gối đầu lên đùi Phu nhân Mary Todd, mắt nhắm nghiền, da mặt trắng bợt, không thấy cử động gì. Một thanh niên trạc 25 tuổi bước vào. Anh là bác sĩ ngoại khoa Charles Hilar của lực lượng quân tình nguyện. Dưới sự giúp đỡ của thiếu tá Henry và Phu nhân Mary Todd, bác sĩ Charles đặt Lincoln xuống sàn phòng VIP, nâng đầu Lincoln lên xem xét tỉ mỉ, phát hiện não bị tổn thương, liền dùng hai ngón tay trái ấn mạnh vào họng, ép chặt cuống lưỡi, dùng ngón tay phải làm sạch máu đọng và dịch tiết ở trong miệng, họng nhằm khởi động bộ máy hô hấp và kích thích hệ thống hô hấp. Một lát sau có thêm một bác sĩ khác tới trợ giúp. Hai vị bác sĩ, một người lắc tay, một người ép ngực Lincoln. Sau một hồi hô hấp nhân tạo, cuối cùng, mạch của Lincoln cũng đập trở lại.
Bác sĩ Charles cho rằng vết thương của Lincoln rất nặng, nguy hiểm tới tính mạng nên đã yêu cầu lập tức đưa Tổng thống tới bệnh viện. Thiếu tá Henry nhanh chóng trưng dụng một chiếc xe ngựa cùng hai vị bác sĩ và Phu nhân Mary Todd đưa Tổng thống tới bệnh viện gần đó. Bác sĩ bệnh viện cởi quần áo của Lincoln, kiểm tra từ chân tới đầu, chỉ phát hiện một vết đạn bắn trên đầu. Lúc này, toàn thân của Lincoln đã lạnh, hai chân không ngừng co giật. Những biện pháp cấp cứu tỏ ra có rất ít hiệu quả. Hơi thở của Lincoln dần trở nên khó khăn. Mạch yếu, chỉ đập 40 lần/phút. Trong khi đồng tử mắt trái co mạnh, đồng tử mắt phải lại giãn ra rất lớn. Ba lần, Phu nhân Mary Todd được thông báo vào gặp Tổng thống lần cuối. Ở lần gặp thứ 2 bà đã nức nở thốt lên: “Lincoln, anh nhất định phải sống, nhất định phải sống. Anh vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện của mình mà!”
2 giờ sáng 15/4/1865, bác sĩ chủ nhiệm bệnh viện George định mổ gắp viên đạn ra, tuy nhiên, sau khi hội chẩn mọi người thống nhất cho rằng cho dù có lấy được viên đạn, Tổng thống cũng không thể sống được. 6 giờ, bác sĩ chủ nhiệm bệnh viện George bước ra khỏi phòng cấp cứu đã thấy phía ngoài ken chật người. Họ nhao lên hỏi tình hình sức khỏe của Lincoln. Thì ra những người dân thành phố biết tin Tổng thống gặp nạn đã kéo tới chờ đợi tin tức cả đêm. Khi biết rằng Lincoln khó lòng qua khỏi, mọi người lặng đi, mặt ai cũng lộ vẻ bi ai, đặc biệt là những người da đen. Nhiều người không kìm nén được đã bật khóc.
7 giờ 21 phút 55 giây sáng 15/4/1865, Lincoln trút hơi thở cuối cùng. Sau đó 15 giây, trái tim của một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ ngừng đập. 9 giờ cùng ngày, thi thể của Lincoln được chuyển qua nhà Quốc hội để người dân ngắm nhìn ông lần cuối, 4 giờ chiều đưa lên xe lửa về an táng tại Springfield, bang Illinois. Hàng vạn người đã đứng dài hai bên đường ray để tiễn vị Tổng thống thứ 16 của Mỹ về nơi an nghỉ cuối cùng. 10 giờ sáng 16/4/1865, Phó Tổng thống Andrew Johnson tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 17 của Mỹ.
Để tiếp tục theo dõi sự nghiệp vĩ đại của Lincoln, mời độc giả đón đọc Abraham Lincoln: Vị tổng thống Mỹ “Tử vì đạo” (Phần 3) vào sáng ngày 10/10/2014. |