Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố phân tích xu thế vận động của thanh thiếu niên trong giai đoạn 2001 - 2016 ở 146 quốc gia.
Các tiêu chí đánh giá bao gồm hoạt động giải trí, thể thao, đi bộ, đạp xe, thời gian làm việc nhà chủ động, tập thể dục theo kế hoạch...
Theo đó, 81% các em không đáp ứng được yêu cầu khuyến nghị của WHO là phải có ít nhất 1 giờ mỗi ngày cho hoạt động thể chất như đi bộ, vui chơi, đạp xe hay tham gia các môn thể thao có tổ chức khác. Xét về giới, tỷ lệ này là 85% ở nam và 78% ở nữ.
90% trẻ vị thành niên nữ giới ở 27 quốc gia không vận động đủ trong năm 2016, theo số liệu mới nhất. Trên thế giới, các cô gái tụt lại khá xa so với các chàng trai về hoạt động thể chất, chỉ trừ ở 4 quốc gia: Afghanistan, Samoa, Tonga và Zambia.
Lối sống gắn liền công nghệ hiện nay khiến phần lớn trẻ em thiếu hoạt động thể chất
Báo cáo cũng chỉ ra tình trạng thiếu thốn và kém chất lượng của cơ sở hạ tầng, cũng như thiếu an toàn đang khiến thanh thiếu niên gặp khó khăn hơn nếu muốn đi bộ hoặc đạp xe tới trường. Một thực tế đáng lo ngại khi nghiên cứu nhận thấy mức độ lười vận động của thanh thiếu niên thường xuyên duy trì ở mức cao tại tất cả các khu vực và quốc gia, từ 66% tại Bangladesh tới 94% tại Hàn Quốc.
TS Fiona Bull - tác giả nghiên cứu kiêm chuyên gia hàng đầu của WHO về hoạt động thể chất cho rằng đó là một mối lo lớn và tình trạng này khó được cải thiện.
WHO cảnh báo, do lối sống nhàn nhã, xương của con người bắt đầu mỏng hơn, cơ bắp yếu hơn. Điều đó kéo theo rất nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe. Trong khi đó, lối sống năng động ảnh hưởng tốt đến tim mạch, cơ bắp, tránh loãng xương và cải thiện cân nặng.
Do đó, hành động cấp thiết ngay lúc này là phải lôi kéo thanh thiếu niên rời xa hơn nữa các thiết bị điện tử và tạo điều kiện, thúc giục các em di chuyển, vận động nhiều hơn.
Cần có các hành động cụ thể và chính sách khẩn cấp để khuyến khích trẻ em, đặc biệt là trẻ gái hoạt động thường xuyên. Thanh thiếu niên nên vận động vừa phải 1 giờ/ngày, sau đó chuyển dần sang vận động nặng hơn 1 giờ/ngày. Các hoạt động có thể duy trì là đi bộ, đạp xe hoặc chơi trò chơi vận động.