Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ này giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao.
Tại họp báo thường kỳ chiều 21/10, trả lời câu hỏi về quy trình công nhận và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vaccine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ ngày 1/10 về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hiện nay Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ này giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao”.
Cũng theo bà Hằng, những loại giấy tờ này sẽ được sử dụng trực tiếp tại Việt Nam và người có đủ giấy tờ được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày, theo hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly đối với người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc đã mắc Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh.
“Bộ Ngoại giao cũng đang trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vaccine. Hiện giấy chứng nhận vaccine của Việt Nam cung cấp đã được một số quốc gia công nhận”, bà Hằng cho biết thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lao động, chuyên gia, nhà đầu tư và một số đối tượng đặc thù khác phục vụ mục tiêu phát triển, Bộ Ngoại giao cũng đã tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành địa phương về những vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy trình xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh theo hướng bổ sung hộ chiếu, giấy chứng nhận tiêm chủng vào thành phần hồ sơ của quy trình cấp thị thực, giảm thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường phân cấp hơn nữa cho các Bộ, ngành.
* Cũng tại họp báo, thông tin về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chuyển trạng thái hiện nay, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Với các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt vừa qua, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang dần được kiểm soát và từng bước chuyển sang trạng thái mới.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu đạt được ngay trong năm 2021; đưa chính sách chống dịch quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, phá vỡ tình trạng "đóng băng" trong hoạt động kinh tế - xã hội.
Chính phủ đang tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và ban hành nhiều nghị quyết, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
“Chính phủ Việt Nam cũng luôn lắng nghe, cùng chia sẻ và tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, tháo gỡ các khó khăn, tạo lập môi trường bình thường mới nhằm khôi phục sớm nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh, theo phương châm không làm gián đoạn chuỗi sản xuất cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt trên toàn quốc, các địa phương bãi bỏ và không ban hành các quy định không phù hợp”, bà Hằng nhấn mạnh.
Tính đến ngày 20/9, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có hơn 1200 dự án đầu tư trực tiếp FDI, với tổng vốn đăng ký là 12,5 tỷ USD; tuy giảm 37,8% về số dự án nhưng tăng 20,6% về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã khẳng định sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư và gia tăng quy mô dự án đầu tư tại Việt Nam.