7 nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính thời gian tới

Bình Nguyên| 24/06/2021 21:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 24/6, Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố chỉ số cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức đã có một số chỉ đạo quan trọng liên quan đến công tác này.

duc_5721.jpg
Điểm cầu chính hội nghị trực tuyến tại Chính phủ

Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đây cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự thay đổi và cải cách.

85,48% người dân, tổ chức hài lòng

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 tiến hành điều tra xã hội học với tổng số phiếu phát ra tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước là 36.630 phiếu.

Kết quả cho thấy, năm 2020, có 85,48% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong phạm vi cả nước (năm 2019 là 84,45%). Sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính tăng dần qua mỗi năm kể từ năm 2017 đến nay, từ 80,90% lên 85,48%.

Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số hài lòng cao nhất, đạt 95,76%; tiếp theo là thành phố Hải Phòng 93,57%; tỉnh Bắc Giang 92,54%... Tỉnh Bình Thuận có chỉ số hài lòng thấp nhất với kết quả 75,68%.

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục tập trung vào 2 nhóm điểm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả trên 90%, tiếp tục là 3 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.

Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị: Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2020, tiếp tục không có bộ nào có kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 80%.

Theo đánh giá, Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83,72%, cao hơn 2,57% so với giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81,15%) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây.

So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy, có 38 đơn vị đạt Chỉ số cải cách hành chính cao hơn giá trị trung bình của cả nước.

Đáng chú ý, năm 2020, có 58 địa phương đạt Chỉ số cải cách hành chính trên 80%, trong khi đó, năm 2019, chỉ có 44 đơn vị và năm 2018, chỉ có 9 đơn vị thuộc nhóm này; không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%.

Về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2020: Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là địa phương xếp vị trí thứ nhất bảng xếp hạng với kết quả đạt 91,04%; thành phố Hải Phòng với kết quả 90,51%. Tiếp đó lần lượt là các tỉnh: Thừa Thiên - Huế 88,47%, Bình Dương 86,93%, Đồng Tháp 86,77%… Thành phố Hà Nội đứng ở vị trí thứ tám với kết quả 86,07%. Tỉnh Quảng Ngãi ở vị trí 63/63 tỉnh, thành phố với kết quả đạt 73,25%.

7 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ rõ một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC cả nước cần tập trung thực hiện thời gian tới.

Một là, căn cứ kết quả Chỉ số SIPAS năm 2020 và Chỉ số PAR Index năm 2020, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục có những biện pháp, giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Trực tiếp chịu trách nhiệm với kết quả CCHC thuộc phạm vi quản lý.

duc_5872.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ phát biểu tại hội nghị.

Tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương.

Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính Nhà nước các cấp theo quy định.

Đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.

Năm là, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cấp chính quyền; việc họp trực tuyến và xử lý công việc trên môi trường điện tử; hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo bộ, ngành, địa phương tích hợp với tích hợp với Hệ thống báo cáo Chính phủ; tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Sáu là, Bộ Nội vụ cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phương pháp, nội dung, có cách làm mới trong đánh giá Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR Index cho phù hợp với Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 và yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai CCHC tại các bộ, các tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
7 nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính thời gian tới