Bảy dấu hiệu công ty bán hàng đa cấp lừa đảo, biến tướng đã được Sở Công thương Hà Nội chỉ ra nhằm cảnh báo cho người dân biết để phòng tránh.
Thời gian qua, nhiều người dân đã “tiền mất tật mang” khi bị những công ty kinh doanh đa cấp dụ dỗ lôi kéo tham gia đầu tư với nhiều chiêu trò. Sở Công thương Hà Nội cho biết qua thực tế công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn Hà Nội, 100% các công ty bị kiểm tra đều có vi phạm hành chính, nhiều công ty có dấu hiệu lừa đảo.
100% công ty đa cấp bị kiểm tra tại Hà Nội đều vi phạm hành chính
Để cảnh báo người dân, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ ra 7 dấu hiệu công ty đa cấp lừa đảo, biến tướng để người dân nhận biết.
1. Hưởng lợi nhuận cao phi lý: Các công ty bán hàng đa cấp chào mời người dân đầu tư, nộp tiền tham gia và hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường mà không phải làm gì, rồi yêu cầu lôi kéo những người khác tham gia để hưởng hoa hồng. Đây thực sự là chiếc “bánh vẽ” hoàn hảo khiến nhiều người lao vào đầu tư và cuối cùng rơi vào tình cảnh mất tiền.
Dấu hiệu huy động tài chính, trả lãi theo hình thức đa cấp: Thực chất mọi mời lời chào tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp có hoa hồng cao, lãi suất lớn hoặc hình thức đầu tư nộp tiền không dựa vào việc bán hàng hóa đều là dấu hiệu của hành vi lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Bán hàng đa cấp nhưng không có hàng: Các công ty lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để dụ dỗ người dân đầu tư tham gia mua hàng nhưng không xuất hàng cho người mua mà khuyến khích người mua gửi lại kho công ty, khi nào bán hàng thì đến lấy. Thực chất đây là dấu hiệu lừa đảo vì công ty đó không có hàng xuất để trả người mua nên dùng chiêu này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
3. Công ty bán hàng đa cấp đẩy giá bán cho người tham gia bán hàng đa cấp lên quá cao so với giá thành mua vào
4. Công ty bán hàng đa cấp thổi phồng công dụng của sản phẩm hàng hóa để dụ dỗ người dân mua hàng.
5. Công ty bán hàng đa cấp, người bán hàng đa cấp tư vấn để người dân mua số lượng lớn vượt quá khả năng tiêu thụ để được lên cấp như “trưởng nhóm” “phó phòng kinh doanh”...
6. Khi người dân mua hàng nhưng không có khả năng tiêu thụ hoặc không có nhu cầu sử dụng, muốn trả lại thì công ty bán hàng đa cấp tìm mọi cách trì hoãn việc trả hàng của người tham gia để quá thời hạn được phép trả hàng, khi đó công ty sẽ không có trách nhiệm mua lại hàng hóa.
7. Công ty chưa được cấp Giấy đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn đi giới thiệu chào mời, lôi kéo người dân tham gia.