6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a: Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo

Hương Lan| 20/05/2015 06:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết 30a), đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân và đạt kết quả trên nhiều mặt.

Chính sách đã đi vào cuộc sống

Qua 6 năm thực hiện, Nghị quyết 30a của Chính phủ hỗ trợ cho 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện nghèo do quá trình điều chỉnh địa giới hành chính các huyện nghèo và thành lập các huyện mới) đã đi vào cuộc sống và đạt kết quả tích cực trên nhiều phương diện. Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước luôn dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo để thực hiện các chính sách đặc thù. Tổng nguồn lực được huy động trong 6 năm đạt khoảng 20.189 tỷ đồng, bao gồm 17.052 tỷ đồng ngân sách T.Ư; 2.000 tỷ đồng ngân sách địa phương và 3.138 tỷ đồng hỗ trợ của các doanh nghiệp.

Sau 6 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 30a, các mục tiêu đã cơ bản đạt được. Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2014 của các huyện nghèo nhìn chung đạt mức giảm bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% của Nghị quyết. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 có 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đến nay, theo đánh giá sơ bộ đã có hơn 12% số huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo ngang bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh.

Đáng ghi nhận là tình hình KT-XH trên địa bàn các huyện nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, thu ngân sách trên địa bàn tăng, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, các công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư khá đồng bộ (với hơn 90% xã, 70% thôn, bản thuộc các huyện nghèo có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% trung tâm xã và trên 90%  thôn, bản đã có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất), mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên, hệ thống chính quyền cơ sở được củng cố, an ninh quốc phòng được đảm bảo, nhiều huyện nghèo đang thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về mức sống so với các vùng khác.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết, đã khẳng định đây là một chủ trương lớn, một quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân, được nhân dân nói chung đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số mong đợi và tích cực tham gia.

6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a: Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo

Sau 6 năm thực hiện Chương trình, cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo đã được đầu tư, nâng cấp 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước. Tại một số huyện, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60-70%. Điều này cho thấy kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo (do trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số); hệ thống cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và địa phương, cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.... Đến nay, tuy có 8 huyện tỷ lệ hộ nghèo đã đạt mức ngang bằng với tỷ lệ nghèo chung của tỉnh nhưng hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông, sản xuất và đời sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Mục tiêu giảm nghèo thời gian tới là phấn đấu đến cuối năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo ngang bằng mức trung bình của tỉnh; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 40%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 14-15 triệu đồng/người/năm, có ít nhất 6 huyện cơ bản thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.

Đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo ngang bằng mức trung bình của khu vực; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2015; có ít nhất 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiều giải pháp đã được đặt ra. Một trong những giải pháp quan trọng là trên cơ sở chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng trong giai đoạn 2016-2020, xây dựng tiêu chí rà soát, đánh giá để xác định đối tượng, địa bàn của chương trình giai đoạn tới; xác định mức độ nghèo, mức độ khó khăn của từng huyện, xã, thôn bản, để đề xuất chính sách và cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Về bố trí vốn, trên cơ sở thực hiện Luât Đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, thực hiện việc bố trí, thông báo vốn trung hạn trong 5 năm, tạo điều kiện cho các huyện chủ động sắp xếp các danh mục theo thứ tự ưu tiên, tổ chức huy động, lồng ghép các nguồn lực khác hoàn thành mục tiêu đề ra.

Về cơ chế, chính sách, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ chính sách giảm nghèo hiện hành trên cơ sở đó, đề xuất chính sách nào tiếp tục thực hiện, chính sách nào tiếp tục thực hiện nhưng cần phải sửa đổi, điều chỉnh, chính sách nào cần kết thúc; tích hợp các văn bản chính sách trên cùng lĩnh vực, cùng nội dung để giảm bớt số lượng văn bản chính sách, khắc phục tình trạng chồng chéo chính sách trên địa bàn các huyện nghèo.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Nghị quyết 30a hướng đến các địa bàn nghèo nhất, khó khăn nhất cả nước. Đây sẽ tiếp tục là chương trình trọng điểm của công tác giảm nghèo. Chính vì vậy, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm để thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 30a.

Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 5 nội dung cần chú trọng thực hiện. Trong đó, về việc bố trí nguồn lực, Thủ tướng chỉ đạo: Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo thực hiện công tác giảm nghèo. Trên cơ sở thực hiện việc bố trí vốn đầu tư công trung hạn trong 5 năm, tạo điều kiện cho các huyện nghèo chủ động sắp xếp các danh mục theo thứ tự ưu tiên, tổ chức huy động, lồng ghép các nguồn lực khác để hoàn thành mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a: Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo