58% phụ nữ đã từng kết hôn bị bạo lực gia đình

Thảo Nguyên| 26/01/2018 06:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khởi động Điều tra quốc gia lần thứ hai về “Sức khỏe phụ nữ và kinh nghiệm sống" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo kết quả Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vào năm 2010, 58% phụ nữ đã từng kết hôn trong độ tuổi từ 18-60 đã bị bạo lực ít nhất một lần trong đời, nhưng 87% nạn nhân không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.

Nghiên cứu này khẳng định bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam là một vấn đề đáng báo động. Tuy nhiên, các số liệu này mới chỉ phản ánh tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong phạm vi gia đình.

Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc đạt được các chỉ tiêu về bình đẳng giới. Các khuôn khổ pháp lý quốc gia về bình đẳng giới cho phụ nữ cũng đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn cao và chưa được giải quyết một cách hiệu quả.

58% phụ nữ đã từng kết hôn bị bạo lực gia đình

Các đối tác tham gia Điều tra quốc gia lần thứ hai về “Sức khỏe phụ nữ và Kinh nghiệm sống”

Ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình Đẳng giới Bộ LĐ-TB-XH cho biết, báo cáo “Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam” cho thấy gia đình không phải lúc nào cũng là một môi trường sống an toàn tại Việt Nam bởi phụ nữ phải đối mặt với những nguy cơ bị bạo lực do chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình gây ra.

"Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bạo lực gây tác động đáng kể đối với sức khỏe thể chất và tâm thần của người phụ nữ, ảnh hưởng tới năng suất lao động của các thành viên trong gia đình và vấn đề giáo dục, chăm lo sức khỏe cho con cái. Bạo lực đối với phụ nữ cũng làm phát sinh những chi phí mà cộng đồng và quốc gia phải gánh chịu.

Hiện nay, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ diễn ra trong gia đình mà hiện diện ở bất cứ nơi nào như nơi làm việc, trường học, nơi công cộng. Nhu cầu được cập nhật số liệu ở phạm vi rộng hơn của các cơ quan chức năng để làm tốt công tác tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật là cần thiết", ông Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, để xây dựng được một chính sách đúng, hiệu quả thì không thể thiếu những số liệu, thông tin làm bằng chứng cho việc định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, giải pháp… một cách thuyết phục và khoa học.

Nghiên cứu, điều tra lần này sẽ cung cấp các ước tính đáng tin cậy về các chỉ số chính về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong 6 vùng kinh tế trọng điểm, khu vực đô thị và nông thôn, người Kinh và người các dân tộc khác, cũng như trên phạm vi cả nước.

Do đó những số liệu thu thập được từ cuộc điều tra lần này sẽ tiếp tục được phân tích sâu hơn để nghiên cứu các khía cạnh của bạo lực với phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ đó sẽ giúp ích cho các nhà hoạch định chính sách, người lập kế hoạch ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, các cơ quan Chính phủ, tổ chức xã hội, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực, cho cộng đồng người dân trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
58% phụ nữ đã từng kết hôn bị bạo lực gia đình