Mới hơn “6 tháng” trong bụng mẹ, cậu bé đã được sinh ra, nặng vẻn vẹn có 900g, việc Hiếu Ân sống khỏe mạnh đã là một kỳ tích với gia đình. Cho nên không ai có thể ngờ lúc lên 4 tuổi mặc dù vẫn chưa nói được tiếng nào, nhưng bé đã biết tự viết số.
Bốn bức vách ván cũ kỹ trở thành tấm bảng để cậu tập viết. Ngoài ra, cậu bé còn có nhiều khả năng đặc biệt khác. Người dân địa phương ưu ái gọi cậu là “Thần đồng Thánh Gióng” .
Nét chữ cứng cáp của Hiếu Ân ghi trên vách tủ
Trong bụng mẹ mới hơn 6 tháng đã “đòi chui ra”
Chúng tôi tìm đến thăm gia đình anh Lê Văn Chửng (SN 1964, ngụ ấp Bình Thạnh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) khi anh đang bận bịu với công việc chăm lo vườn cây ăn trái. Sau khi nghe chúng tôi tỏ ý muốn đến thăm cháu Lê Phạm Hiếu Ân (5 tuổi, con trai anh) khuôn mặt anh giãn ra, anh ngừng tay, niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Hiếu Ân đang ngồi tỉ mẩn cầm viên phấn viết chi chít những dòng chữ lên nền đất trên thềm ba.
Anh Chửng chia sẻ: “Mang thai bé mới tới tháng thứ sáu thì mẹ bé bị vỡ ối phải chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) để sinh. Thấy tình hình nguy cấp, các bác sĩ đã mổ để lấy đứa bé ra. Khi ấy, nó có 900g, con cá 1kg nhìn như thế nào là thằng con tôi y như vậy đó. Thế nhưng, nó cũng không được bình thường giống như con người ta, cho đến bốn tuổi mà vẫn không bập bẹ được cha cha... ma ma... như con người ta”.
Nhắc lại những ngày tháng Hiếu Ân đã làm cho cả gia đình nhốn nháo lo sợ nhưng nét mặt người cha vẫn thấp thoáng niềm tự hào. Khi ấy anh đang làm việc tại Campuchia, mọi việc chăm sóc con trai, trông nom nhà cửa đều giao hết cho vợ. Anh nói: “Vào cuối năm 2012, khi tôi đang đi làm thì vợ gọi điện, bảo con trai vẫn chưa nói gì, nó hay tự chơi một mình, và tự lấy tay thấm nước miếng rồi viết lên vách nhà. Tôi bèn gọi về cho vợ kêu mua cho con cục phấn vì vách dơ quá sợ con nhiễm bệnh. Thế là từ đó khắp vách nhà, cứ chỗ nào trống trống có thể viết hoặc vẽ được là hiện lên chi chít những con số của thằng bé. Nó cũng bập bẹ nói từ hồi đó”.
Nhìn những nét chữ cứng cáp, rõ ràng thật khó tưởng tượng nổi là của cháu bé mới năm tuổi và nói chưa rành. Tuy nhiên, bé chỉ viết chữ in hoa và cách phát âm cũng khác. Chúng tôi đưa danh bạ điện thoại cho cháu bé coi qua, rồi hỏi số điện thoại và tên của PV, Ân không nói gì, lẳng lặng quay ra vách viết ra cả tên và dãy số đúng y như vậy. Cũng theo lời anh Chửng, Ân không bao giờ viết lặp lại một dòng chữ nào và tỏ ý khó chịu khi anh đọc sai những chữ mà cháu viết.
Anh Chửng bật mí: “Dòng họ tôi phải nói cũng có nhiều người học giỏi, thông minh nhưng chưa có ai được như Ân, nó có một trí nhớ phải nói tuyệt vời, có thể đọc và viết bất kỳ thứ gì chỉ cần xem lướt qua. Mấy đứa cháu tôi học cũng khá nhưng phải đến trường học rồi mới biết”.
Thích “bàn chuyện thời sự” với cha
Anh Chửng tiết lộ thêm: “Hồi đầu năm, tôi có gửi cháu học lớp mầm non ngoài xã. Hôm đầu tiên nó đến chỗ từng bạn, vạch áo lên, đọc số điện thoại thêu trên ngực áo rồi đến tối về nó ghi tất thảy 40 số điện thoại lên tường. Tôi ghi lại vào giấy, hôm sau tới dò thử thì thấy đúng hết. Hôm sau nữa, nó nói với cô giáo là con không đi học nữa, chẳng còn gì để con học cả. Thế là nó không chịu đến trường nữa. Sau đó, tôi đành để nó ở nhà, lủi thủi viết vẽ một mình”.
Không chỉ “nổi tiếng” ở lớp mầm non, tiếng tăm của Hiếu Ân còn lan khắp các lớp học cấp trên. Chuyện bạn bè của Hiếu Ân hầu hết là các anh chị học cấp 2, cấp 3 ở trong, ngoài xã đã không còn lạ nữa. Mỗi lần ghé thăm Hiếu Ân, quà không phải những món đồ chơi cho trẻ nhỏ mà là sách, báo, bất cứ thứ gì có thể đọc. Anh Chửng cười nói: “Thỉnh thoảng thầy cô ngoài xã gọi điện đem cháu ra chơi. Mỗi lần tới là thầy cô với các anh chị lớp trên lại xúm xít vây lại, đọc cho cháu nó viết. Mọi người cũng tò mò trước khả năng của Ân nên muốn chứng kiến tận mắt. Nó thì được cái dạn dĩ, không sợ người lạ”.
Theo lời anh Chửng, bé Ân còn có một sở thích đặc biệt là khi coi tivi bé chỉ thích coi thời sự và các trò chơi mang tính trí tuệ. Cứ ngày nào, giờ nào có chương trình mình thích là cháu đều tự nhớ và bật tivi lên theo dõi. Chương trình yêu thích của Ân là Thời sự, Chiếc nón kì diệu, Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia… Ân không coi phim hoạt hình như những đứa trẻ khác, sau giờ cơm tối, cháu lại tự bật tivi và ngồi xem thời sự cùng cha. “Mỗi khi nghe tin tức này nọ, nó lại bập bẹ bàn luận và tỏ thái độ thích hoặc không thích. Riết rồi quen, tối nào hai cha con cũng bàn luận chuyện thời sự với nhau”, anh Chửng nói. Từ ngày vợ chồng ly dị vì nhiều chuyện bất hòa, anh Chửng sống cảnh “gà trống nuôi con”, niềm an ủi duy nhất là đứa con trai chưa đủ lớn để cảm nhận sự thiếu thốn tình thương của mẹ và sự tan vỡ của người lớn nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến cháu. Cứ chiều chiều, cháu Ân lại đòi cha chở ra ngoài thị trấn uống cà phê, hai cha con cùng luận bàn đủ chuyện với những người bạn của cha. Thứ nước uống yêu thích của cậu bé năm tuổi ấy là cà phê sữa.Chúng tôi khá ngạc nhiên trước những tiết lộ của ông bố đơn thân.
Gia đình nhận được nhiều quan tâm Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, cho biết: “UBND xã đã báo cáo sự việc trên lên huyện và tỉnh nhằm tìm phương hướng giúp đỡ cháu có điều kiện được chăm sóc, phát triển cơ thể và trí tuệ một cách toàn diện”. |