30 năm dạy học trên giường

Duy Ngợi - Hoàng Việt| 07/10/2014 11:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị liệt nằm một chỗ, giấc mơ là thầy giáo không thành nhưng vượt lên số phận nghiệt ngã, bao năm qua anh Nguyễn Hữu Thắng vẫn ngày ngày nghiên cứu sách và dạy học cho các em học sinh nghèo trong và ngoài làng.

Về xóm 2, xã Nam Xuân (Nam Đàn, Nghệ An) hỏi người già, trẻ nhỏ nhà “thầy” Nguyễn Hữu Thắng dạy học thì ai cũng biết. Trong căn nhà cấp 4 lè tè, “người thầy” nằm liệt giường ấy vẫn cần mẫn truyền lại tri thức cho bao thế hệ học trò.

Số phận nghiệt ngã

Khi người viết bài này tìm về, “thầy” Thắng đang dạy Toán cho hai học sinh lớp 7 ở trong xóm. Trên chiếc giường đơn sơ đặt ở góc nhà, bao năm qua có người đàn ông với thân hình nhỏ thó, queo quắt, trên đầu giường cơ man nào là sách. Cảnh lớp học của thầy Thắng chỉ có một không hai trên đất nước hình chữ S này.

30 năm dạy học trên giường

Mọi sinh hoạt của Thắng đều trông chờ ở người mẹ đã 82 tuổi. Ảnh Duy Ngợi

Năm 1961, Nguyễn Hữu Thắng chào đời, cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Tới tuổi đến trường, hằng ngày sau mỗi buổi học, Thắng thường chăn trâu cắt cỏ cùng lũ trẻ trong làng. Trong khi lũ bạn mải mê chơi đùa, Thắng lại hăng say ôn bài. Thắng học đều các môn nhưng có niềm đam mê đặc biệt với môn Toán. Cậu bé có tiếng chăm chỉ, thông minh ngày ngày trau dồi kiến thức để thực hiện ước mơ trở thành một người thầy.

Nhưng ông trời cũng thật trêu ngươi, ấy là vào năm 1978 khi Thắng đang học lớp 7 thì chân bỗng nhiên đau nhói. “Lúc đầu, vợ chồng tôi cứ nghĩ Thắng đi chăn trâu với bọn trẻ trong làng rồi nô đùa, đánh vật bị sái chân nên chữa trị bằng thuốc gãy xương. Nhưng càng chữa, chân của Thắng vẫn không hề thuyên giảm mà còn có chiều hướng nặng hơn”, bà Nguyễn Thị Vượng, mẹ Thắng nhớ lại. Tuy bàn chân sưng tấy nhưng Thắng vẫn cố gắng đi học. Quãng đường từ nhà anh đến trường tầm 5 cây số, chân lại đau nhưng chưa một ngày Thắng nghỉ học. Sang kỳ 2 của lớp 7, tức cũng là mùa đông, cái lạnh mùa đông khiến chân anh đau buốt và bại dần.

Thấy chân con trai ngày càng yếu đi, bố mẹ Thắng đưa cậu đến bệnh viện huyện Nam Đàn kiểm tra và điều trị một thời gian dài nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Nghe người ta kháo nhau ở Hà Tĩnh có thầy thuốc giỏi chữa bệnh về xương khớp, bố mẹ Thắng đã quyết định đưa anh vào tận nơi chữa trị. Ở đây, ông thầy lang kết luận Thắng mắc bệnh thấp khớp mãn tính và trị liệu bằng phương pháp châm cứu, đốt phóng tia.

Ngày nào cũng vậy, anh phải chịu đau đớn cho những trận kim châm và đốt phóng tia. Thân hình mảnh mai, ốm yếu ấy mỗi ngày lại in hằn 36 mũi kim châm. Những chỗ đốt phóng tia sưng vù, mưng mủ, đau nhức.  “Lúc đó, tui nghĩ cuộc đời đã chấm dứt ở đây, mỗi lần nghe thấy tiếng dép thầy lang đi bên ngoài là người tui lại run lên bần bật, tui đã phải dùng hết sức để ghì chặt cơ thể mình. Giờ nghĩ lại còn hãi hùng”, Thắng chia sẻ.

30 năm dạy học trên giường

Với Thắng, sách là niềm đam mê, là người bạn tri kỷ. Ảnh Duy Ngợi

Hết đợt điều trị này đến đợt điều trị khác, cơ thể anh ốm dần, chân của anh có hiện tượng co rút rồi teo lại. Vô phương cứu chữa, gia đình phải đưa anh về trong vô vọng. Nghiệt ngã hơn, bệnh tình của Thắng ngày càng trở nên trầm trọng. Lúc đầu chỉ mới bị liệt chân phải, về sau chân trái cũng có triệu chứng tê nhức, co giật rồi liệt dần. Sau đó, chứng teo cơ lan sang tay phải rồi lan ra cả toàn thân. Mong ước đến trường học chữ của Thắng cũng đành chấm dứt từ đây. Đến giờ, toàn thân của anh chỉ còn tay trái có thể hoạt động được.

Người thầy có một không hai

Nằm bất động trên giường, đôi chân teo, cổ cứng ngắc không cử động, rồi tay phải, lưng của anh cũng "chết" dần khiến Thắng không thể ngồi được xe lăn. Một chút hy vọng nhỏ nhoi, Thắng vẫn còn cánh tay trái nên mọi sinh hoạt cá nhân của anh đều phụ thuộc vào cánh tay này. Nằm trên giường đau đớn, chán chường, anh bi quan, tuyệt vọng trước tất cả. Có những lúc, Thắng đã nghĩ quẩn nhưng vì thương mẹ và các em nên anh đã cố gượng dậy để sống. Dù vậy, cũng phải mất 3 đến 4 năm trời anh mới lấy lại được tinh thần. Anh tìm niềm vui từ việc đọc sách, tiếp nối giấc mơ học hành trên giường bệnh.

Học đến lớp 7, kiến thức trong sách giáo khoa anh nắm khá chắc nên dù nằm trên giường nhưng chàng trai tật nguyền vẫn dạy học được cho các em của mình. Dần dà, khi bọn trẻ cùng trang lứa với em Thắng thấy bạn mình sau khi được anh kèm cặp, rồi học hành chăm chỉ, tiến bộ thế là lũ trẻ kéo đến xin học ngày một nhiều. Những học sinh của Thắng thường ở gần nhà, ngày bận lên lớp, giúp đỡ bố mẹ việc nhà, tối đến học bài gặp bài toán khó vẫn mang đến nhờ "thầy" Thắng giảng.

Nhưng cái khó đối với anh là không thể viết bảng. Những học sinh thông minh, nhanh nhẹn thì chỉ cần giảng bằng lời nói là chúng nắm được kiến thức và làm bài tập ngay được; còn một số học sinh kém hơn thì phải nói đi, nói lại nhiều lần và có khi phải mang bút giấy lại để thầy viết ra. Vì vậy, Thắng không thể dạy được nhiều học trò cùng lúc. Học sinh của anh chủ yếu là học sinh lớp 5, 6, 7. “Chương trình học mỗi ngày một nhiều, sách giáo khoa lại chỉnh lý nâng cao mà tôi vừa học đến lớp 7 nên gặp không ít khó khăn, trở ngại lúc giảng bài cho các em. Thế nên tôi càng phải nghiên cứu sách nhiều hơn, để cuối tuần lại dạy cho lũ trẻ được tốt nhất có thể”, "thầy" Thắng bộc bạch.

30 năm dạy học trên giường

30 năm qua, lớp học đặc biệt của "thầy" Thắng đã ươm mầm cho bao thế hệ học trò. Ảnh: Duy Ngợi

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Thắng làm công việc lặng thầm ấy đến nay đã 30 năm trời. Niềm hạnh phúc lớn nhất của Thắng chính là lúc các trò hiểu bài nhanh, hứng thú làm bài tập. Nhờ có anh, bọn trẻ trong làng trở nên ham học, kết quả học tập tiến bộ thấy rõ khiến bố mẹ các em càng mừng, tin tưởng gửi gắm con mình để thầy Thắng kèm cặp. Cứ dịp Tết Nguyên đán, ngày 20/11 hằng năm, nhà anh đều có học sinh đến thăm. Món quà chỉ là bó hoa, quyển sách nhưng đối với “người thầy” tật nguyền, nó quý giá hơn bao món quà đắt tiền khác.

Nằm một chỗ nên muốn thấy ai từ ngoài cửa đi vào, hoặc lấy quyển sách nào ở trên đầu giường anh đều dùng chiếc gương để soi, nhìn mặt người, nhìn mặt sách. Giờ đây, anh xem sách vở là bè bạn, là người tri kỷ. “Tôi thích đọc sách lắm, nhưng tiếc là không thể nằm đọc được lâu, vì nếu đọc lâu, thần kinh tôi căng thẳng, mệt mỏi”, Thắng tâm sự.

Chiều buông, từ biệt lớp học đặc biệt và người thầy có một không hai, người viết lại liên tưởng đến lời của nhà văn Nguyễn Khải trong truyện ngắn “Mùa lạc” ông viết năm nào: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Và anh Nguyễn Hữu Thắng đã vượt qua được ranh giới của nghịch cảnh, ranh giới của chính mình để đem bài học nghị lực sống, khát khao kiến thức truyền thụ tới thế hệ sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
30 năm dạy học trên giường