Chiều nay (29/7) các Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề được ĐBQH nêu.
Formosa đã thực hiện cam kết chuyển trước 250 triệu USD
Báo cáo về vụ việc vi phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết ngày 28/7, Formosa đã thực hiện cam kết và đã chuyển trước 250 triệu USD trong số 500 triệu USD tiền hồi thường. Công việc liên quan hỗ trợ, bồi thường cho người dân được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Bộ NN&PNNT sẽ có báo cáo trước Quốc hội. Hiện nay, Bộ TN&MT đang thực hiện khẩn trương các công việc:
Một là, tiến hành thực hiện xử phạt các hành vi sai phạm hành chính đối với Formosa. Ở đây cụ thể là 53 sai phạm, cùng theo đó là 1 kế hoạch rất toàn diện về khắc phục những sai phạm của Formosa, từ vấn đề chuyển đổi công nghệ cho đến vấn đề hoàn thiện lại hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải. Đồng thời triển khai hệ thống ứng phó với sự cố môi trường như hồ sinh học, chỉ định sinh học để chứa lượng nước trước khi thải ra biển khoảng 7 ngày, có hệ thống quan trắc trực tuyến để giám sát tất cả chỉ tiêu liên quan đến ô nhiễm môi trường biển.
Hai là, ngay từ khi có sự cố, Bộ TN&MT và các bộ ngành đã được chỉ đạo cùng với việc điều tra đánh giá nguyên nhân thì đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, vấn đề suy thoái các hệ sinh thái môi trường biển. Cho đến nay, các điều tra nghiên cứu này đã và đang được tiến hành hết sức bài bản, hệ thống và khoa học. Bước đầu đã có các thông tin đưa ra, dự kiến khoảng ngày 15/8 tới sẽ đưa ra hội đồng có sự tham gia của các nhà khoa học để đánh giá về phương pháp đánh giá đó, về mức độ ô nhiễm hiện nay và các giải pháp cụ thể để có thể khắc phục nếu như còn tồn tại ô nhiễm; đồng thời xác định các giải pháp phục hồi các hệ sinh thái môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình trước Quốc hội về sự cố Formosa
Bộ TN&MT cũng được Chính phủ chỉ định xây dựng một dự án để giám sát và quan trắc chất lượng môi trường biển trên toàn bộ các tỉnh miền Trung, mở rộng ra đến Thanh Hóa và đến Đà Nẵng. Hệ thống này sẽ giúp chúng ta chủ động cung cấp thông tin cho người dân và đồng thời tạo môi trường minh bạch đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ có dự án liên quan sử dụng kinh phí bồi thường để phục hồi các hệ sinh thái biển trên cơ sở có những đánh giá cụ thể và giải pháp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ, sự cố Formosa đã tạo ra 1 tiền lệ mới đối với công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường, đặc biệt liên quan đến vấn đề quy chuẩn, liên quan đến đánh giá tác động môi trường, các quy trình giám sát chuyên đề, cũng như việc thanh tra, kiểm tra.
Nông nghiệp sẽ tập trung vào các lĩnh vực còn dư địa
Ghi nhận ý kiến của các ĐBQH về những việc cần phải làm đối với nông nghiệp, tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, nông nghiệp đang đứng trước những thách rất lớn.
Một là, nền nông nghiệp về tổng thể vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ với 12 triệu hộ nông dân, bình quân 1 hộ là 0,3 ha đất sản xuất. Chính điều này dẫn tới năng suất lao động, năng suất kinh tế rất thấp. Thu nhập của người nông dân không chỉ thấp hơn các nước xung quanh mà thấp hơn cả trong các khu vực khác của nền kinh tế nước ta. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đây là nguyên nhân căn bản để chúng ta phải tái cơ cấu.
Hai là, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và khắc nghiệt hơn so với kịch bản đã dự báo năm 2012. Khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng đã diễn ra khốc liệt suốt từ đầu năm ở hầu hết các vùng của đất nước, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Ba là, hội nhập sâu rộng đi cùng với yêu cầu thị trường mở rộng cả hai chiều. Ở chiều xuất khẩu, yêu cầu hàng hóa tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh và liên tục đổi mới. Ở chiều ngược lại, áp lực cạnh tranh với hàng ngoại tràn vào, trong khi tính cạnh tranh của chúng ta về nguồn tài nguyên, về khoa học, về trình độ công nghiệp hóa đang là bất lợi. Đây là ba thách thức rất lớn, mang tính sống còn, đòi hỏi chúng ta phải tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị bền vững.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp vào tháng 6/2013. Theo Bộ trưởng, các ngành, các địa phương đều xây dựng chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của mình và qua 3 năm thực hiện đã xuất hiện được những mô hình, điển hình ở quy mô, ngành hàng khác nhau. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các sản phẩm chính của nông nghiệp vẫn được sản xuất nhỏ lẻ, cho giá trị thấp, bấp bênh về mặt tiêu thụ, giá trị gia tăng thấp, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hơn, đặc biệt là vùng trọng điểm đang bị tác động kép của biến đổi khí hậu như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, ĐBSCL.
Tới đây, Bộ và các tỉnh sẽ phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát huy sản phẩm lợi thế vùng gắn biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó, đề xuất đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một cách căn cơ theo yêu cầu của sản xuất mới. Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào các lĩnh vực còn dư địa để thực hiện – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, xoá bỏ rào cản trong kinh doanh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã báo cáo với Quốc hội hai nội dung lớn về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả của đầu tư công.
Theo ông Dũng, thời gian qua, bằng việc ban hành và thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan thì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã được mở rộng, mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh đã được nâng cao, đã loại bỏ và giảm đáng kể các rào cản kinh doanh, rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp. Mức độ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh đã được cải thiện rõ nét. Mục tiêu của Chính phủ là phấn đấu đến cuối năm 2016 thì môi trường đầu tư kinh doanh sẽ đạt mức trung bình của ASEAN 6 và đến năm 2020 trong nền kinh tế sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động một cách có hiệu quả. Tiếp tục phát huy và duy trì các kết quả nêu trên, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ đã tập trung, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và coi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp là động lực chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thay đổi quan điểm của quản lý Nhà nước từ quản lý chuyển sang phục vụ, và chuyển từ khâu tiền kiểm sang khâu hậu kiểm. Đây là một thay đổi lớn mà chắc chắn trong thời gian tới sẽ có cải thiện đáng kể trong môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đầu tư công cũng có những hạn chế, tồn tại nhất định, trong đó nổi lên là việc chấp hành các quy định của pháp luật ở một số cơ quan đơn vị còn thực hiện chưa nghiêm, chưa chấp hành tốt các quy định về bố trí vốn; về theo dõi thực hiện; chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt; đầu tư còn dàn trải, thất thoát; kiểm soát quy mô đầu tư, định mức, đơn giá còn lỏng lẻo và chưa chặt chẽ dẫn đến tổng mức đầu tư cao hơn so với thực tế. Bên cạnh đó, chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đầu tư còn bất cập, một số dự án đầu tư hiệu quả chưa cao; một số dự án chậm tiến độ, một số dự án hoàn thành nhưng không đạt được hiệu quả đề ra; chưa khắc phục được tình trạng nợ động xây dựng cơ bản; một số địa phương để phát sinh nợ động xây dựng cơ bản, nhất là trong thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tình trạng ỷ lại vào nguồn vốn Trung ương chưa được khắc phục triệt để... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý đầu tư công; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp; xem xét để giảm các lãi suất cho vay; rà soát, kiểm soát và giảm ít nhất 20% phí giao thông đường bộ, thực hiện cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp xuất khẩu. Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự; yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hàng tháng tổ chức đối thoại trực tiếp, thực chất với doanh nghiệp, trực tiếp giải quyết vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo thông lệ quốc tế, cải cách các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách hành chính về thuế, giảm thời gian kê khai nộp thuế, hoàn thuế và nộp BHXH, cải cách thủ tục hải quan nhất là các quy định về kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian về thông quan đối với doanh nghiệp… Chính phủ cũng chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và dự án Luật Quy hoạch để sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua trong các kỳ họp tới.
Chính phủ và các bộ ngành cũng sẽ tiếp tục rà soát và cải cách các điều kiện kinh doanh, rà soát các rào cản không còn phù hợp của các luật làm cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh để tương thích với tình hình hội nhập và tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết.