Bộ Y tế điều chỉnh nhóm cần trì hoãn tiêm chủng từ 5 xuống 3, trong Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19, ban hành ngày 10/8.
Hướng dẫn mới vẫn phân chia người tiêm chủng thành 4 nhóm lớn, gồm: Đủ điều kiện tiêm chủng; Cần thận trọng tiêm chủng; Trì hoãn; và Chống chỉ định. Có những thay đổi trong từng nhóm.
Trước đây, có 5 phân nhóm người phải trì hoãn tiêm chủng, tuy nhiên, theo hướng dẫn mới, chỉ còn ba phân nhóm, gồm: Người có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; Người đang mắc bệnh cấp tính; Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Vì vậy, phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú vẫn được tiêm vaccine (nếu có cam kết), tuy nhiên không áp dụng với vaccine Sputnik V. Họ thuộc nhóm người cần thận trọng tiêm chủng.
Các nhóm còn lại gồm:
Đủ điều kiện tiêm chủng: Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vaccine.
Thận trọng tiêm chủng: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; Người có bệnh nền, bệnh mạn tính; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; Phụ nữ mang thai trên 13 tuần; Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống gồm nhiệt độ dưới 35,5 độ C và trên 37,5 độ C, mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút, nhịp thở trên 25 lần/phút...
Chống chỉ định: Người tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng Covid-19 cùng loại (lần trước); Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan tiêm chủng phải ghi chép, lưu giữ cơ sở dữ liệu tiêm chủng của các đối tượng bao gồm cả trường hợp chống chỉ định vào phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân. Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng và phiếu cam kết đồng ý tiêm chủng được lưu tại đơn vị tổ chức tiêm trong 15 ngày.
Tại cuộc họp trực tuyến về vaccine chiều 9/8, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết thời gian qua Bộ Y tế đã phân bổ cho các Viện và địa phương trên 18 triệu liều vaccine để triển khai tiêm chủng. Tuy nhiên, một số địa phương tiến độ tiêm chậm so với số lượng được phân bổ. Thứ trưởng yêu cầu tất cả địa phương, đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, không trông chờ, lựa chọn; vaccine về đợt nào thì triển khai tiêm đợt đó, "để chúng ta từng bước đảm bảo miễn dịch cộng đồng".
Sau 5 tháng triển khai, đến nay Việt Nam đã tiêm gần 10 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó hơn một triệu người đã được tiêm đủ hai mũi. TP HCM đang là địa phương có tốc độ tiêm vaccine nhanh nhất cả nước.