3.500 ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong 6 tháng đầu năm

Thảo Nguyên| 15/11/2018 14:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là thông tin được TS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đưa ra tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về HIV/AIDS ngày 15/11.

Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện cả nước có 209.000 người nhiễm hiện còn sống, tuy nhiên chỉ quản lý được 175.000 người, trong đó mới đang điều trị bằng ARV cho 130.000 người.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước phát hiện mới 3.500 người nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS 1.824 người, số người nhiễm HIV tử vong là 814 người.

So sánh số liệu nhiễm HIV/AIDS, tử vong báo cáo cùng kỳ năm 2017, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 30%, số bệnh nhân AIDS giảm 27% và người nhiễm HIV tử vong tăng 2%.

3.500 ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong 6 tháng đầu năm

Người nhiễm HIV như người bình thường nếu tuân thủ điều trị ARV

Theo ông Cảnh, dự báo vẫn còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao, do vậy rất khó phát hiện sớm. Đặc biệt, dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng, điển hình như tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ từng phát hiện 42 người nhiễm HIV trong một thời điểm.

Trong khi đó, việc xét nghiệm sàng lọc HIV sớm để có thể điều trị dự phòng, ngăn ngừa lây nhiễm sang những người khác. Hơn nữa hiện nay thuốc kháng virus ARV có thể kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, an toàn cho người nhiễm HIV.

Đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết, hiện nay hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước đều có thể xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, thông qua các cán bộ y tế thực hiện lưu động hoặc do các nhân viên tiếp cận cộng đồng cũng có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV. Kỹ thuật xét nghiệm phát hiện HIV hiện nay rất đơn giản, người bệnh có thể tự lấy máu đầu ngón tay hoặc lấy dịch miệng để xét nghiệm.

Theo TS Jonh Blandford - Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Việt Nam, người nhiễm HIV cần phải điều trị ARV để ngăn ngừa lây truyền cho người khác. Khi điều trị ARV đạt đến mức ức chế virus, hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện, sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục.

“Qua 3 nghiên cứu với hàng ngàn cặp bạn tình trái dấu và hàng ngàn lần quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su hay dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), không có bạn tình HIV âm tính bị lây HIV từ bạn tình HIV dương tính khi họ có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện”, TS Jonh thông tin.

Liên quan tới việc điều trị Methadone cho người nghiện ma túy, tại buổi họp báo, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện nay trên thế giới có trên 600 loại ma túy tổng hợp. Trong khi các đối tượng nghiện ma túy đang có xu hướng chuyển từ sử dụng cần sa, heroin sang ma túy tổng hợp với nhiều tên gọi khác nhau.

Đáng báo động khi các loại ma túy tổng hợp có tác động rất nguy hại làm não bộ người sử dụng bị tổn thương nặng nề, gây loạn thần, hoang tưởng, mất kiểm soát về hành vi. Hơn nữa, hiện nay, những người nghiện các chất dạng thuốc phiện còn có thuốc Methadone để điều trị, làm lại cuộc đời thì người nghiện ma túy tổng hợp vẫn chưa có phương thuốc nào có thể điều trị được.

Với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 sẽ diễn ra trên phạm vi cả nước từ ngày 10/11- 10/12/2018.

Tháng hành động với mục tiêu tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống vở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người.

Bên cạnh đó, một mục tiêu quan trọng nữa ngành y tế hướng tới đó là mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3.500 ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong 6 tháng đầu năm