Đó là nội dung báo cáo giám sát môi trường làng nghề của UBTVQH thực hiện tại 15 khu kinh tế và 48 làng nghề mới đây. Tuy nhiên, sắp xếp theo hướng nào để không mất đi bản sắc văn hóa truyền thống đang là vấn đề bàn cãi trong buổi thảo luận ngày 29-9.
Theo đánh giá của đoàn giám sát, các cụm làng nghề hiện nay phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Nhiều làng nghề trong lòng Thủ đô, làng nghề truyền thống lâu năm, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại nhiều khu quy hoạch sản xuất tập trung, các hộ sản xuất không chỉ di chuyển bộ phận sản xuất mà còn di chuyển cả gia đình đến đó sinh sống, đơn cử như Cụm công nghiệp Đồng Kỵ - Bắc Ninh. Do vậy, các cụm công nghiệp này giống như khu vực giãn dân và là hình thức mở rộng ô nhiễm.
Nhiều chuyên gia đánh giá, đây sẽ là loại hình gây ô nhiễm hàng đầu, đáng báo động. Nếu không đưa các cụm công nghiệp vào đúng khung pháp lý hiện hành, thì thay vì xử lý ô nhiễm trong phạm vi 3.355 làng có nghề và làng nghề được công nhận thì chúng ta sẽ phải xem xét và xử lý số lượng các khu vực ô nhiễm gấp đôi, gấp 3 lần con số hiện tại trong vài năm tới.
Gốm sứ Bát Tràng - Làng nghề truyền thống Hà Nội
Các hướng quy hoạch làng nghề được đưa ra 3 hình thức gồm quy hoạch tập trung (nhóm các làng nghề có mức độ ô nhiễm cao); quy hoạch phân tán (các nghề ít gây ô nhiễm); hoặc quy hoạch vừa tập trung vừa phân tán (đối với các làng nghề tích hợp).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc quy hoạch làng nghề là cấp thiết và cần phải làm ngay, nhưng Chính phủ cần làm một cuộc tổng điều tra rà soát làng nghề và làng có nghề theo truyền thống.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn: “Nhiều làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, khắc phục tình trạng này là nhiệm vụ cấp bách. Tôi cho rằng, trách nhiệm trước hết là của mỗi làng nghề, của mỗi cơ sở sản xuất trong làng nghề. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có một hệ thống các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường làng nghề. Đã đến lúc các cơ quan này cần hoạt động một cách thiết thực, có hiệu quả hơn nữa để giúp các làng nghề hạn chế càng nhanh càng tốt tình trạng ô nhiễm”.
Báo cáo của đoàn giám sát nêu rõ, 3.000 làng nghề với 11 triệu lao động hiện nay đang thiếu một “nhạc trưởng”. Có địa phương quản lý làng nghề là Sở NN&PTNT, có nơi là do Liên minh hợp tác xã, có nơi thuộc Sở Công Tthương hoặc Sở TNMT. Ngoài ra, với nếp sống tiểu nông chỉ quan tâm lợi ích trước mắt nên nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng nguyên, nhiên liệu rẻ tiền, hoá chất độc hại.
Các công nghệ được sử dụng trong nhiều cụm công nghiệp, làng nghề thực chất làrác thải nhập từ nước ngoài, thậm chí từ các nước đang hoặc kém phát triển khác. Chưa kể do tâm lý họ hàng, dòng tộc làng xã nên các hộ dân mang tâm lý e ngại, nể nang không tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Mỹ Hằng (TPO)