26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Bình Nguyên| 01/07/2021 19:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra hôm nay (1/7), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung thông tin về gói hỗ trợ người lao động, sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

hop-cp.jpg
Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay 1/7.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chiều nay, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 68 về việc hỗ trợ người lao động, sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, mức hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng.

Mục tiêu tập trung chủ yếu vào hai đối tượng là người lao động và sử dụng lao động. Nghị quyết đề ra 4 nguyên tắc cơ bản đảm bảo hỗ trợ kịp thời và đảm bảo công khai minh bạch; làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho người lao động trong dịp này; những đối tượng ưu tiên cũng có thêm các chính sách khác như bà mẹ đang mang thai, trẻ em, người đang nuôi dưỡng cha mẹ, đang cách ly…Ngân sách hỗ trợ gồm cả Trung ương và địa phương.

Các nhóm chính sách được điều chỉnh theo nghị quyết 68, gồm:

Nhóm thứ nhất là giảm mức đóng bảo hiểm xã hội về tai nạn nghề nghiệp. Hiện quy định là người sử dụng lao động đóng 0.5% thu nhập cho quỹ này. Theo Nghị quyết 68, nhà nước quyết định giảm mức phí này trong 12 tháng, nghĩa là không phải đóng tiền nhưng nếu có rủi ro xảy ra, người lao động vẫn được đảm bảo quyền lợi. 11 triệu người sẽ được thụ hưởng chính sách này. Toàn bộ số tiền được giảm đóng này, người sử dụng lao động phải dùng để chi trả cho người lao động.

Nhóm thứ hai là tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Chính sách này tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 42 nhưng mức tiêu chí giảm nhiều so với Nghị quyết 42. Thời gian áp dụng là 12 tháng.

Chính sách thứ ba là hỗ trợ đào tạo với người lao động, sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Việc này, theo Bộ trưởng, giúp người lao động và sử dụng lao động được sử dụng kinh phí này để đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đối công việc. Mức hỗ trợ với mỗi người là 1,5 triệu/tháng, không quá 6 tháng. Thời gian áp dụng từ 1/7/2021 tới hết năm nay.

Chính sách thứ tư là hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1/5 tới 31/12 năm nay. Có 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách này, một nhóm được hỗ trợ 1,8 triệu đồng và một nhóm được hỗ trợ 3,58 triệu đồng.

Chính sách thứ năm là hỗ trợ trẻ em và phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai ngoài các chính sách chung được hỗ trợ 1,7 triệu đồng/tháng. Mỗi trẻ em được hưởng thêm 1 triệu đồng/tháng. Trường hợp này, nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ cho một người nuôi dưỡng, hoặc mẹ hoặc bố.

Chính sách thứ sáu là hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày với công nhân đang phải điều trị Covid-19 hoặc phải cách ly để phòng chống dịch. Những đối tượng này được hưởng hỗ trợ theo số ngày thực tế phải thực hiện các biện pháp cách ly.

Chính sách thứ 7 là hỗ trợ người lao động trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật phải nghỉ để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ là 3,7 triệu đồng/người. Đây là những người hoạt động với các chức danh hưởng lương ở mức khởi điểm. Có khoảng 2.000 người được hưởng chính sách này trên quy mô cả nước.

Chính sách thứ 8 là hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (được cấp thẻ hành nghề, bị ảnh hưởng sâu, mất việc từ 15 ngày trở lên). Hỗ trợ một lần đối với diễn viên, nghệ sỹ giữ chức danh nghề nghiệp hạng 4 bị mất việc từ 15 ngày trở lên.

Chính sách thứ 9 là hộ kinh doanh bị ảnh hưởng vì Covid-19, mức hỗ trợ ấn định là 3 triệu đồng/lần.

Chính sách thứ 10 là cho vay để trả lương. Chính sách cho vay trả lương để phục hồi sản xuất, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, là một chính sách mới, được vay với mức lãi suất 0%, không phải thế chấp tài sản, mức vay bằng một tháng lương cần trả cho người lao động, áp dụng tối đa 3 tháng. Áp dụng với những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu như kinh doanh dịch vụ.

Chính sách thứ 11, hỗ trợ người lao động tự do. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của các địa phương để xây dựng chính sách cụ thể nhưng không ít hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc mức 50.000 đồng/người/ngày.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, sẽ cố gắng ở mức cao nhất, cùng các bộ ngành để triển khai, đưa chính sách này vào cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo đã thông tin về một số nội dung trong phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm nay 1/7.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, đánh giá chung của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm là cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, cả nước cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến căng thẳng của dịch Covid-19.

Với nỗ lực vượt bậc, trong bối cảnh khó khăn, cả nước đã tổ chức thành công những sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng XIII, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.

Dịch bệnh đến nay cơ bản được kiểm soát, chiến lược tiêm chủng vắc xin được chỉ đạo triển khai rất quyết liệt.  Chính phủ nhất quán tinh thần kiên định mục tiêu, thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định các cân đối vĩ mô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19