203 người chết, 417 người bị thương vì tai nạn giao thông trong dịp nghỉ Tết

T.V| 01/02/2017 21:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

203 người chết, 417 người đã phải nhập viện trong 368 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong 7 ngày Tết. Trung bình, mỗi ngày có 29 người tử vong vì tai nạn giao thông và 59 người bị thương. Cứ 1,8 vụ tai nạn giao thông lại mang đi 1 sinh mạng.

Tai nạn giao thông gia tăng 

Nếu như trong cả 7 ngày Tết, tuyến đường thủy nội địa không xảy ra vụ tai nạn nào thì trên đường bộ lại chiếm đến 97,8% số vụ (360 vụ), 97% số người chết (197 người) và 97,36% số người bị thương (406 người). Đóng góp vào những con số biết nói này, tai nạn giao thông đường sắt với 8 vụ xảy ra, làm chết 6 người, bị thương 11 người. 

Tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số người chết trong các ngày mùng 3 và mùng 5 Tết. Ngày mùng 3 Tết (30/1) là ngày cao điểm nhất, cả nước đã xảy ra tới 60 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, bị thương 69 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 59 vụ, làm chết 38 người, bị thương 68 người. Không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, điển hình như vụ tai nạn xảy ra vào 17 giờ mùng 3 Tết, trên Quốc lộ 19 khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ giữa xe máy mang biển kiểm soát 65P4–9504 và xe khách mang biển kiểm soát 84G1–335.02 làm cho 2 người chết và 2 người bị thương.

Nghiêm trọng hơn cả, phải kể đến vụ tai nạn vào lúc 8 giờ sáng cùng ngày, tại khu vực tổ 8, khu 9, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Xe khách biển kiểm soát 17K - 2869 chở người đi tham quan, vãn cảnh chùa Ba Vàng trên đường xuống núi đến khu vực trên thì bị mất lái đâm vào vách núi, khiến 2 người tử vong, 27 người bị thương. 

203 người chết, 417 người bị thương vì tai nạn giao thông trong dịp nghỉ Tết

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quá tải cấp cứu phẫu thuật các trường hợp tai nạn giao thông rất nặng từ các địa phương chuyển tuyến. Ảnh: Dương Ngọc

Trong những ngày Tết, chỉ có 6 địa phương không xảy ra tai nạn giao thông là: Bắc Ninh, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Bình, Sơn La và Lào Cai. 

So với 7 ngày Tết Bính Thân 2016, có thể thấy Tết Nguyên đán năm nay tình hình trật tự an toàn giao thông có diễn biến phức tạp hơn, tai nạn giao thông đã tăng trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân, số vụ tai nạn giao thông tăng 84 vụ (29,5%), tăng 21 người chết (11,5 %), tăng 135 người bị thương (48%).

Bảy ngày Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông trên đường bộ đã kiểm tra, xử lý 17.636 trường hợp vi phạm; nộp kho bạc Nhà nước 6,877 tỷ đồng; tạm giữ 184 xe ô tô, 3.782 xe mô tô, tước 783 giấy phép lái xe. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tăng 2.910 trường hợp (19,7%), số tiền nộp phạt tăng 721 triệu đồng. 

Nguyên nhân do tùy tiện 

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông, nguyên nhân tai nạn giao thông tăng là do tình trạng người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy. Những ngày Tết, nhiều người tham gia giao thông mang tâm lý ngày xuân, dễ cho mình tùy tiện vi phạm luật giao thông và cho rằng Cảnh sát giao thông không phạt trong những ngày Tết. 

Thêm vào đó, ý thức về việc “uống có trách nhiệm” vẫn chưa được nâng lên, nhiều người vẫn điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia, nhất là các vùng nông thôn, cũng làm tình hình trật tự an toàn giao thông ngày xuân thêm phức tạp. Tại Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành pháp luật, trật tự an toàn giao thông diễn ra tại một số nơi. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh chở con em mình lưu thông trên quốc lộ cũng không đội mũ bảo hiểm. 

Một số thanh niên cũng lấy ngày Tết là thời điểm “xả hơi” để tụ tập khuya, tham gia giao thông không an toàn, không đội mũ bảo hiểm. Vụ tai nạn giao thông xảy ra rạng sáng 29/1 tại ngã tư phố Hai Bà Trưng và Ngô Quyền (Hà Nội) giữa một xe mô tô chở ba thanh niên không đội mũ bảo hiểm với xe ô tô biển số 29C - 914.04, làm cả ba đều thương tích nặng là một điển hình của sự thiếu ý thức này. 

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại các tuyến giao thông nông thôn của các lực lượng chức năng trong những ngày Tết còn hạn chế, chưa quán xuyến, khép kín được hết địa bàn cũng là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông tăng lên. 

Trong hai ngày cuối của dịp nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, mật độ người tham gia giao thông đổ về các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lớn, lực lượng Cảnh sát giao thông đã có phương án bố trí, huy động lực lượng bố trí tại các khu vực này; thực hiện phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông, yêu cầu các hộ kinh doanh trông giữ xe chấp hành nghiêm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra tại các cửa ngõ các thành phố lớn. 

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc những ngày Tết được bảo đảm, không xảy ra tai nạn và va chạm giao thông. Các tổ công tác tuần tra kiểm soát trên tuyến tuần tra cơ động, kịp thời tổ chức phân làn giao thông, không để dẫn đến tình hình ùn tắc giao thông kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
203 người chết, 417 người bị thương vì tai nạn giao thông trong dịp nghỉ Tết