Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh lao là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bệnh lao là một trong những căn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 11 triệu người mắc lao, trong đó số người tử vong vì bệnh lao lên tới gần 2 triệu người.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam. Theo đó, sẽ cắt giảm được 30% số mắc và 40% số chết do lao trong vòng 5 năm từ năm 2015 đến 2020. Chương trình phòng chống lao tại Việt Nam đang được thực hiện tại 100% các địa phương trong cả nước.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, năm 2016 có khoảng 126.000 người mắc lao, số ca tử vong lên tới 13.000 người, cao hơn nhiều so với số chết do tai nạn giao thông, nhưng đây lại là căn bệnh người dân ít khi chú ý.
Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện lao phổi
So với năm 2000, Việt Nam đã giảm 50% số hiện mắc và mắc mới cũng như số tử vong vì bệnh lao. Hiện, số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm khoảng 5 - 6%, số tử vong vì bệnh lao giảm nhanh hơn số mắc do chúng ta tăng được tỷ lệ phát hiện. Trong hai năm 2015 - 2016, cả nước đã giảm được 3.000 người chết vì lao.
Theo GS Nhung, Việt Nam có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt, phát hiện sớm tất cả các thể lao, cung cấp dịch vụ điều trị lao cho tất cả người bệnh sau chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn. Hàng năm cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới.
Mạng lưới chống lao đang tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay 46 trên 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi. Chương trình chống lao đã tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp với các đối tác như Bộ Công an; Cục phòng chống HIV/AIDS, WHO, KNCV, CDC, URC, CHAI, các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh và nhiều đối tác khác.
Đặc biệt trong giai đoạn 2015-2017, Chương trình chống lao có thêm các đối tác mới chính thức trở thành những đơn vị viện trợ phụ (SRs) cùng tham gia vào dự án QTC và công tác chống lao như FIND, Hội Chống Lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV), Trung tâm nghiên cứu và phát triển sức khỏe cộng đồng (RCSCH), Bộ Công an.
Tuy nhiên, dịch tễ lao ở nước ta còn cao, xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Với 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng. Nguyên nhân khiến công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.