Ngày 24/10, 16 người đã bị kết án tử hình vì đã thiêu sống một thiếu nữ Bangladesh - người đã từ chối rút các cáo buộc tấn công tình dục đối với hiệu trưởng một chủng viện Hồi giáo nơi cô học.
Bản án thể hiện rõ những gì các nhà hoạt động quyết tâm làm để có một nền văn hóa không khoan nhượng đối với bạo lực tình dục ở quốc gia Nam Á 168 triệu dân.
Các cô gái cầm hình ảnh của nữ sinh Nusrat Jahan Rafi bị sát hại trong một cuộc biểu tình ở thủ đô Dhaka
Nusrat Jahan Rafi, 19 tuổi đã qua đời chỉ vài ngày sau khi cô bị thiêu sống trên nóc ngôi trường Hồi giáo mà cô theo học tại thị trấn Femi, phía Nam thủ đô Dhaka của Bangladesh.
Thầy hiệu trưởng Siraj-ud-Daula và hai nữ sinh cùng lớp với Nusrat Jahan Rafi nằm trong số 16 người nhận án tử hình.
Những người khác bao gồm các nhà hoạt động từ Đảng Awami League cầm quyền và một số sinh viên - những người trực tiếp tham gia hành động giết người hoặc canh cổng của học viện trong khi vụ việc diễn ra.
"Phán quyết chứng minh rằng sẽ không có ai thoát khỏi tội giết người ở Bangladesh. Chúng tôi có luật pháp", công tố viên Hafez Ahmed nói với các phóng viên sau phán quyết trong phòng xử án đông đúc.
Tháng 3 năm 2019, Nusrat khai với cảnh sát rằng hiệu trưởng Siraj-ud-Daula đã gọi cô lên phòng làm việc và sau đó có hành vi đụng chạm không đứng đắn với cô gái trẻ.
Tuy nhiên, hành động của Nusrat đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ chống lại cô và gia đình. Một số nam sinh của trường Hồi giáo này thậm chí còn tổ chức tuần hành để ủng hộ hiệu trưởng.
Rafi bị dụ dỗ lên tầng thượng của chủng viện Hồi giáo ở Sonagazi, nơi những kẻ tấn công của cô ép cô phải rút đơn khiếu nại mà cô đã nộp cho cảnh sát. Khi cô từ chối, chúng trói cô lại, dội dầu hỏa lên người và châm lửa đốt cô. Nusrat đã bị bỏng tới 80% cơ thể.
Theo cảnh sát, những kẻ gây án dự định sẽ dựng hiện trường giả để khiến vụ việc trông giống như một vụ tự sát, nhưng cô gái trẻ đã chạy thoát và cầu xin sự giúp đỡ.
Cảnh sát ngay lập tức đã bắt giữ 15 người. Hiệu trưởng Doula đã bị giam giữ từ trước đó.
Cái chết của cô gái trẻ đã khiến dư luận Bangladesh bàng hoàng, dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình đòi hỏi công lý cho Nusrat.
Cuộc tụ họp biểu tình chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ đã diễn ra trong nhiều ngày sau vụ giết người của Nusrat Jahan Rafi
Gia đình của cô gái trẻ đã đồng thuận với bản án, yêu cầu các hình phạt cần sớm được thực thi. Trong khi đó, luật sư của các bị cáo tuyên bố thân chủ của họ sẽ kháng án.
Ở một đất nước Hồi giáo như Bangladesh, tình trạng xâm hại tình dục khá phổ biến, nhưng các nạn nhân đi trình báo bị xâm hại thường bị cộng đồng chỉ trích, soi xét và nhận áp lực lớn từ dư luận lên bản thân và gia đình.