Kết thúc Hội nghị quốc tế các Chủ tịch Quốc hội ngày 26/10, 15 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã thông qua Tuyên bố Bandung bao gồm 7 điểm, trong đó có việc thành lập Diễn đàn Quốc hội Thế giới.
Theo Chủ tịch Quốc hội Indonesia Bambang Soesatyo, Diễn đàn Quốc hội Thế giới được thành lập trên cơ sở đề xuất của nước chủ nhà Indonesia và là một phần của Liên minh Nghị viện OIC (PIUC), với mục đích “thiết lập trật tự thế giới trên cơ sở độc lập, hòa bình lâu dài và công bằng xã hội”.
Tuyên bố Bandung khẳng định, vấn đề Palestine sẽ tiếp tục là trọng tâm của Diễn đàn cũng như cộng đồng Hồi giáo cho đến khi giành được độc lập và quyền tự quyết cho người dân Palestine và thành lập một nước Palestine độc lập, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuyên bố Bandung cho biết Diễn đàn Quốc hội Thế giới sẽ thúc đẩy tham vấn và hợp tác nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu đang trở thành mối quan tâm chung, như tài nguyên thiên nhiên, môi trường, công lý, vai trò của phụ nữ và thế hệ trẻ.
Trước các diễn biến toàn cầu và những vấn đề phức tạp đa chiều ở mỗi quốc gia, Tuyên bố Bandung nhấn mạnh sự cần thiết có sự tham gia và hỗ trợ tích cực từ tất cả các bên, trong đó có các tổ chức nghị viện, phù hợp với cam kết Dasasila Bandung (10 nguyên tắc Bandung), và Hiến chương Liên hợp quốc.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nhất trí thành lập một ủy ban công tác bao gồm những người sáng lập Diễn đàn nhằm xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh, quy tắc ứng xử, chương trình công tác và quy định về tư cách thành viên của Diễn đàn.
Được tổ chức từ ngày 24 - 26/10, Hội nghị quốc tế các Chủ tịch Quốc hội thu hút sự tham gia của các đại biểu từ 15 thành viên OIC, gồm Indonesia, Saudi Arabia, Maroc, Ai Cập, Pakistan, Palestine, Malaysia, Algeria, Bahrain, Mozambique, Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Jordan cùng PIUC và Liên đoàn Arab.
Hội nghị Cấp cao Á - Phi lần đầu tiên tổ chức tại Bandung (Indonesia) từ 18 – 24/4/1955 với sự tham gia của lãnh đạo 29 nước Á - Phi, khởi đầu cho quá trình hợp tác Á - Phi. Hội nghị đã đưa ra 10 nguyên tắc Bandung, làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở hai châu lục, trong đó các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế...
Hội nghị đã trở thành động lực đưa đến những biến đổi to lớn với việc hàng loạt nước giành độc lập ở châu Á và châu Phi, tiền đề cho việc thành lập Phong trào Không liên kết, Nhóm 77 và hợp tác Nam - Nam.
Năm 1955, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Á - Phi ở Bandung. Là một trong 29 nước tham dự Hội nghị, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước mới giành độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản sau này trở thành các nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của Phong trào Không liên kết.