15 năm sau khủng bố 11/9, ký ức kinh hoàng vẫn còn đó

Hà Kim| 10/09/2016 16:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

15 năm đã trôi qua nhưng những người Mỹ và cả thế giới dường như chưa thể quên được 102 phút kinh hoàng trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ngày 11/9/2001.

Ngày 11/9 của 15 năm về trước, toàn thế giới không khỏi bàng hoàng khi Tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở Manhattan, New York, Mỹ sụp đổ, sau khi những tên khủng bố Hồi giáo Al-Qaeda điều khiển 4 chiếc máy bay dân sự lao thẳng vào tòa nhà. Vụ tấn công khủng bố đẫm máu đã làm khoảng 3.000 người tới từ hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng.

15 năm sau khủng bố 11/9, ký ức kinh hoàng vẫn còn đó

Hình ảnh Tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại ở Manhattan, New York, Mỹ bị khủng bố tấn công ngày 11/9 15 năm trước

Thảm kịch bắt đầu từ việc nhóm khủng bố cảm tử Al-Qaeda cướp 4 chiếc máy bay thương mại và điều khiển chúng lao vào các mục tiêu đã được định sẵn. Vụ tấn công đầu tiên là chuyến bay 11 của hãng American Airlines đâm vào Tòa tháp Bắc của WTC lúc 8 giờ 46 phút (giờ địa phương).

Hơn 15 phút sau đó, chiếc máy bay thứ 2 mang số hiệu 175 cũng nhằm thẳng hướng Tòa tháp Nam của WTC. Chiếc phi cơ này thuộc hãng hàng không United Airlines chở theo 56 hành khách và 9 phi hành đoàn đã lao thẳng vào khoảng tầng 77 – 85 của tòa tháp Nam. Mùi xăng máy bay, sức nóng và khói bụi từ đám cháy kinh khủng đến mức khoảng 200 người đã chọn cách nhảy khỏi toà nhà tự tử để thoát khỏi chúng.

Chưa dừng lại ở đó, vào lúc 9 giờ 37 sáng (giờ địa phương), chiếc máy bay thứ 3 mang số hiệu 77 của hãng American Airlines lao thẳng vào Lầu Năm Góc - biểu tượng nổi tiếng của nước Mỹ. Vụ va chạm đã làm 125 người thiệt mạng và Tòa tháp Nam gần như gãy làm đôi.

Không lâu sau thời điểm 3 vụ tấn công trên xảy ra, chiếc máy bay thứ 4 đâm thẳng xuống cánh đồng ở Shanskville lúc 10 giờ 3 phút (giờ địa phương). Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng (bao gồm cả nhóm không tặc). Những gì ghi lại trong hộp đen cho thấy các hành khách trên máy bay đã cố gắng giành lại quyền kiểm soát từ bọn không tặc.

Vào 10 giờ 28 phút (giờ địa phương), tức là sau 102 phút bốc cháy, Tòa tháp Bắc của WTC bắt đầu sụp đổ. Những cột khói đen cuồn cuộn bốc lên bầu trời. Người dân xung quanh nháo nhác tìm nơi ẩn nấp. Một số nơi, tro bụi dày tới 20 cm.

Mike Smith, một lính cứu hỏa, nói: "Khắp nơi tràn ngập hỗn loạn. Từ cảnh sát đến người đi đường, lính cứu hỏa,... ai cũng gào thét, khóc lóc và chạy loạn. Cảnh tượng hệt như một trận chiến ác liệt. Rất nhiều người bị thương".

15 năm sau khủng bố 11/9, ký ức kinh hoàng vẫn còn đó

Sức nóng và khói bụi từ đám cháy kinh khủng đến mức khoảng 200 người đã chọn cách nhảy khỏi toà nhà tự tử để thoát khỏi chúng

New York lúc đó ở trong tình trạng báo động. Giới chức ra lệnh phong tỏa tất cả các đường hầm và cầu trong phạm vi toàn thành phố. Mọi chuyến bay ngang qua hoặc tới New York đều bị cấm, hủy hoặc đổi đường bay.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Hàng không Hoa Kỳ (FAA) ra lệnh đóng cửa tất cả các phi trường trên nước Mỹ. Mọi chuyến bay đều bị huỷ. Những chuyến bay đang thực hiện hành trình đều phải hạ cánh khẩn cấp. Cơ quan an ninh tổ chức sơ tán tại nhiều khu vực quan trọng như Nhà Trắng, Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở Liên Hiệp Quốc...

Giờ đây, 15 năm đã trôi qua kể từ "ngày đen tối của nước Mỹ", hàng trăm thi thể nạn nhân vẫn chưa được nhận dạng. Nhiều người nói rằng 11/9 là ngày nước Mỹ đánh mất "sự ngây thơ".

Vị Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ cho hay, “tôi thực sự rất bàng hoàng và giận dữ. Nhưng trên cương vị là người đứng đầu một đất nước, tôi phải tỏ ra bình tĩnh. Nhưng khi chứng kiến trên màn hình cảnh những người trên Tháp Đôi WTC nhảy khỏi tòa nhà, tôi cảm thấy bất lực vì chẳng thể làm gì giúp họ”.

15 năm sau khủng bố 11/9, ký ức kinh hoàng vẫn còn đó

Vụ tấn công khiến tòa nhà sụp đổ hoàn toàn

Và cũng từ sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ và thế giới đã bị cuốn vào cuộc chiến mang tên chống khủng bố toàn cầu. Đến nay, hàng nghìn tỷ USD đã được chi ra cho cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động, và cũng đã có hàng trăm nghìn người thiệt mạng vì bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực.

Không những thế, sau vụ khủng bố kinh hoàng đó hơn 60.000 người Mỹ phải tham gia chương trình theo dõi sức khỏe. Bởi vì, lớp bụi từ hiện trường Tháp Đôi WTC hôm 11/9 chứa các hóa chất độc hại như amiang, chì, dioxin, PVC, thủy ngân... cùng lượng khí chất thải của hàng trăm nghìn lít dầu diesel bốc cháy. Theo ước tính, khoảng 90.000 người đã tiếp xúc với đám bụi độc này.

Các quan chức y tế cho biết, đến nay khoảng 2.000 người chẩn đoán bị ung thư đều có liên quan đến sự kiện 11/9. Nhóm người này chủ yếu là những người làm việc trực tiếp tại hiện trường và trong thời gian dài như nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ, các tình nguyện viên... Những vấn đề họ gặp phải chủ yếu là các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
15 năm sau khủng bố 11/9, ký ức kinh hoàng vẫn còn đó