10 vụ lừa đảo tài chính gây chấn động thế giới

Hà Kim| 22/01/2016 08:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong thời gian khủng hoảng tài chính 2008-2009, một loạt vụ lừa đảo tài chính quy mô lớn vỡ lở, đã có nhiều “bậc tiền bối” sừng sỏ trong giới siêu lừa bị pháp luật "sờ gáy", trong đó phải kể tới vụ lừa đảo chấn động của Bernie Madoff, Allen Stanford…

1, Ông trùm Madoff và cú lừa 50 tỷ USD

Bernie Madoff được xem là biểu tượng của tội phạm tài chính hiện đại. Năm 2008, ông cựu Chủ tịch sàn giao dịch Nasdaq bị cáo buộc vận hành một vụ lừa đảo Ponzi trị giá 50 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử.

Madoff thành lập Công ty Đầu tư Chứng khoán Bernard L. Madoff Investment Securities LLC năm 1960 và điều hành một quỹ quản lý đầu tư riêng rẽ khác. Công ty của Madoff hoạt động theo hình thức tư vấn đầu tư và điều hành các quỹ đầu tư với tổng số tài sản khoản 17 tỷ USD.

Ông là một trong những sáng lập viên của sàn Nasdaq và là chủ tịch sàn này từ những năm 1990. Cho đến năm 2001, công ty của ông vẫn là một trong 3 nhà tạo lập thị trường lớn nhất trên sàn Nasdaq, và là doanh nghiệp môi giới lớn thứ ba tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE).

Madoff được coi như một thế lực ngầm trên thị trường. Các quỹ đầu tư của công ty này hấp dẫn các nhà đầu tư bởi lời hứa lợi nhuận cao và chi phí thấp. Vì thế nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã đầu tư vào quỹ của Madoff thông qua các đối tác của công ty này và ký gửi cho ông ta hàng chục tỷ USD.

Đổi lại, Madoff trả cho họ lãi suất rất cao, luôn ở mức 2 con số. Điều này gây khó hiểu cho giới phân tích vì hoạt động kinh doanh của các công ty của Madoff đều thu được lợi nhuận rất cao và đều đặn. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính đang hoành hành trên toàn cầu, Madoff vẫn được cho là không bị ảnh hưởng và ông luôn có đủ tiền mặt để trả cả gốc lẫn lãi mỗi khi các nhà đầu tư cần.

10 vụ lừa đảo tài chính gây chấn động thế giới

Cú lừa thế kỷ của Madoff chẳng khác nào thảm hoạ sóng thần quét sạch các tổ chức tài chính trên thế giới

Các chuyên gia tư vấn các quỹ đầu tư đều cho rằng, không có một chiến lược kinh doanh nào trên thế giới có thể đạt hiệu quả kinh khủng như vậy. Tuy nhiên, với uy tín của Madoff qua hàng loạt các chức vụ quan trọng mà ông ta từng nắm giữ thì mọi mối nghi ngờ như trên đều bị đánh tan.

Mọi việc chỉ thực sự bị phanh phui khi ông này tự thừa nhận tội lỗi của mình vào ngày 11/12/2008. Ông thú nhận rằng, bản thân ông cũng không thể biện hộ cho những tội lỗi mà mình đã gây ra. Ông nói: “Tất cả chỉ là một sự dối trá to lớn. Thực chất đây là một dây hụi khổng lồ”.

Trong suốt nhiều năm, Madoff đã sử dụng uy tín để lừa các nhà đầu tư vào tròng với một mánh lới lừa đảo không có gì là mới. Chiêu lừa đảo của ông ta được gọi là mánh lừa Ponzi (một chương trình lừa đảo đa cấp).

Theo đó những kẻ lừa đảo thu hút nhà đầu tư bằng việc hứa sẽ trả lãi suất cao cho khoản tiền đầu tư của họ. Hoạt động lừa đảo chỉ đơn giản là lấy tiền của nhà đầu tư sau để trả cho nhà đầu tư trước. Hàng loạt ngân hàng, tổ chức tài chính trên thế giới sau đó đã phải thừa nhận họ đã sập bẫy của Madoff.

Danh sách những nạn nhân của Madoff ngày một dài hơn và trong đó có rất nhiều tên tuổi các ngân hàng hàng đầu trên thế giới như Santander của Tây Ban Nha, ngân hàng Anh HSBC, ngân hàng Hoàng gia Scotland, ngân hàng BNP của Pháp, ngân hàng Nomura (Nhật Bản)…

Không chỉ có các thể chế tài chính mà những tổ chức nhân đạo cũng bị ảnh hưởng. Nhiều tổ chức nhân đạo đã phải đóng cửa và sa thải nhân viên sau khi bị mất toàn bộ tiền vào quỹ của Madoff.

Ngày 10/3/2009, phiên tòa xét xử  Madoff đã diễn ra. Vì sự an toàn, ông Madoff được mặc áo giáp cùng với bộ áo vét. Ông đến tòa sớm hơn ba tiếng đồng hồ vì nhà chức trách muốn tránh nguy cơ ông bị đụng độ với những người đầu tư bị sạt nghiệp.

Theo cáo trạng,  Madoff bị truy tố với 11 tội danh như, lừa đảo, khai man, rửa tiền quốc tế... Cuối cùng, Madoff  bị kết án 150 năm và hiện đang bóc lịch trong trại giam.

Có thể nói cú lừa thế kỷ này của Madoff chẳng khác nào thảm hoạ sóng thần quét sạch các tổ chức tài chính trên thế giới.

2, Allen Stanford

Stanford là một trong những trùm lừa đảo tài chính nổi tiếng nhất trong lịch sử. Allen Stanford đã phải ra hầu tòa tại Mỹ vì đã vận hành một chương trình lừa đảo đa cấp khiến 30.000 nhà đầu tư “sập bẫy” và mất sạch tổng số tiền 7 tỷ USD.

Stanford từng là một trong những tỷ phú tài chính nổi tiếng của Mỹ, có lối sống xa hoa, sở hữu nhiều biệt thự, du thuyền, và thậm chí cả một sân bóng cricket ở quần đảo Antigua.

Ở thời kỳ đỉnh cao, giá trị tài sản của Stanford lên tới 2,2 tỷ USD. Stanford  rất hào phóng trong việc làm từ thiện, thậm chí ông còn được phong tước hiệp sỹ tại Antigua.

Tuy nhiên, lớp vỏ hào nhoáng này đã bị “lột trần” vào tháng 2/2009, khi Stanford bị Ủy ban Chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) cáo buộc lừa đảo giới đầu tư. Các công tố viên vào cuộc và phát hiện, danh mục đầu tư trị giá nhiều tỷ USD mà Stanford huy động vốn của khách hàng với lời hứa sẽ trả lợi nhuận béo bở chỉ là giả mạo.

10 vụ lừa đảo tài chính gây chấn động thế giới

Stanford từng là một trong những tỷ phú tài chính nổi tiếng của Mỹ

Thẩm phán Mỹ David Hittner nói, hành động của Stanford nằm trong số những vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử và các nhà đầu tư bị mất tiền vào tay siêu lừa này lâm vào hoàn cảnh tồi tệ. Thậm chí, nhiều nạn nhân của Stanford còn mất trắng cả tiền tiết kiệm dưỡng già.

Sau khi bị tống giam, Stanford đã định bỏ trốn rất nhiều lần. Nạn nhân của Stanford phải đợi 3 năm để chờ kẻ lừa đảo này bị đem ra trước vành móng ngựa vào ngày 6/3/2012, bất chấp các luật sư của bị cáo cho rằng thân chủ của họ có vấn đề về trí nhớ.

Bồi thẩm đoàn đã quyết định kết án Stanford 13 tội danh, bao gồm lừa đảo, vì bán các giấy chứng nhận tài khoản ký gửi từ ngân hàng của ông ta ở đảo Antigua thuộc vùng Caribe cho hàng ngàn nhà đầu tư tại Mỹ và Nam Mỹ.

Stanford đã từ chối nhận tội lừa đảo hoặc điều hành mô hình đa cấp Ponzi, đồng thời lên án chính phủ Mỹ hủy hoại một doanh nghiệp mà ông ta nói rằng, có đủ tài sản để hoàn trả cho những người gửi tiền. Ông ta nói: “Họ hủy hoại chúng và biến chúng trở thành con số không… Tôi không phải là kẻ trộm cắp”, Stanford tuyên bố.

Cuối cùng, theo cáo trạng, Stanford lĩnh bản án 110 năm tù, trùm lừa đảo 62 tuổi gần như chắc chắn sẽ không bao giờ được hưởng tự do trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 vụ lừa đảo tài chính gây chấn động thế giới