Sáng 15/10, thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, để giúp người dân tiêu độc, khử trùng, phòng tránh các loại bệnh sau lũ, ngành y tế đã huy động lực lượng xuống các địa phương, quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh.
Lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa đi kiểm tra và hướng dẫn người dân xử lý tiêu độc, khử trùng
Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Trịnh Hữu Hùng cho hay: “Trước tình hình nước lũ dâng cao, gây ngập úng ở nhiều địa phương, lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh. Sau khi nước rút, chỉ đạo cấp các cơ số thuốc thiết yếu và kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân trong vùng ngập lụt xử lý nguồn nước sinh hoạt. Cán bộ y tế địa phương phải thực hiện tốt công tác sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh sau khi nước rút; góp phần bảo vệ sức khỏe, giúp người dân trên địa bàn sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.”
Cán bộ xuống tận hộ dân hướng dẫn xử lý nguồn nước giếng khơi sau khi bị ngập
Để kịp thời ứng phó với thiên tai, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ do hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới; cảnh báo để người dân biết và chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó có hiệu quả; tổ chức việc trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu tai nạn do mưa lũ gây nên; chuẩn bị triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhân dân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ; lập kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống. Giao Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống trong mùa mưa lũ; tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát và phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh thường xảy ra sau khi nước rút; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất phòng chống bão lụt, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các điạ phương khi có yêu cầu.
Bí thư tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến đi kiểm tra và trao quà cho người dân vùng ngập sau lũ
Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa khoa các huyện, thị xã, thành phố, mỗi đơn vị thành lập 2 tổ điều trị ngoại viện với đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc thiết yếu sẵn sàng chi viện khi có yêu cầu. Đồng thời cấp cơ số thuốc thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho Trung tâm Y tế các huyện Hà Trung và Yên Định, mỗi huyện được cấp 3 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 10 áo phao và 5.000 viên CloraminB; các huyện Thạch Thành, Thường Xuân, Nông Cống mỗi huyện được cấp 3 cơ số thuốc, 10 áo phao và 10.000 viên CloraminB.
Hiện Sở Y tế đang phối hợp với các địa phương tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt.
Nước rút, người dân đưa vật nuôi trở lại sau khi tránh lũ
Thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... Chủ động cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng có thể bị ngập lụt; tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, bảo đảm nồng độ clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng, bảo đảm người dân có nước sạch, an toàn để sử dụng. Hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng bão lũ cách vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh, phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh.
Tại huyện Hà Trung, ngành y tế đã phun thuốc khử trùng ở các khu vực công cộng, đồng thời cấp bột cloramin B và hướng dẫn các gia đình tiêu độc khử trùng.
Đến thời điểm này, nhiều khu vực ở vùng lũ Thạch Thành vẫn còn ngập sâu trong nước. Trung tâm y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế theo dõi sát tình hình, những khu vực nào nước rút thì khẩn trương hỗ trợ nhân dân xử lý môi trường, ưu tiên khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.
Sau khi nước rút, bùn, rác thải đọng lại khá lớn gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Sở y tế đã chỉ đạo y tế cơ sở tại các vùng bị ngập lụt cử cán bộ bám sát địa bàn, hỗ trợ nhân dân khử khuẩn nguồn nước, làm sạch môi trường và giám sát dịch bệnh. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã cấp bổ sung cho các đơn vị y tế vùng bị ngập lụt 135.000 viên và 400 kg bột Cloramin B để giúp người dân khử khuẩn nguồn nước, nhà vệ sinh và môi trường xung quanh. Ngành y tế cũng đã cấp về các địa phương 62 cơ số thuốc phục vụ phòng chống dịch, bệnh trong và sau lũ.