Sinh viên loay hoay "đối phó" dịch sốt xuất huyết

Thảo Nguyên| 05/08/2017 15:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện trên địa bàn Hà Nội, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh mẽ và đang vào giai đoạn cao điểm. Đặc biệt, phần lớn trường hợp nhập viện là sinh viên, cư dân xóm trọ.

Theo báo cáo của ngành y tế, Hà Nội hiện đứng thứ 2 cả nước về số người mắc SXH. Tính đến nay, Hà Nội có gần 9.000 trường hợp SXH với hơn 1.200 ổ dịch. 30/30 quận, huyện, thị xã ghi nhận ca mắc; hiện còn gần 1.000 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện.

Một phòng 3 người mắc SXH

Dịch SXH tại Hà Nội đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là vào thời điểm đang vào mùa mưa như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người dân, đặc biệt là các cư dân xóm trọ, sinh viên vẫn còn thờ ơ, lơ là trong phòng chống SXH.

Nhiều trường hợp sinh viên bị SXH nhưng cứ đinh ninh là cảm sốt bình thường, tự mua thuốc trị cảm về uống đến khi bệnh trở nặng, ốm vật vã, bạn bè mới hoảng hốt chở vào viện. Điển hình như trường hợp  Đặng Anh Tuấn - sinh viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Trở về nhà sau hơn một tuần nằm viện điều trị SXH, Tuấn nói: "Em bị sốt 3 ngày nhưng cứ chủ quan do mấy ngày đi mưa bị ngấm nên chỉ ra hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt uống; 2 ngày sau thấy nổi ban và ngày càng mệt rũ, tình trạng nặng hơn nên vào bệnh viện kiểm tra thì kết quả bị mắc SXH và phải nhập viện điều trị".

Sinh viên loay hoay

SXH vào đỉnh dịch 10 năm. Ảnh: Toàn Vũ

Trần Hà Phương - sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội chia sẻ, vừa trải qua giai đoạn "kinh hoàng" khi cả 3 chị em trong nhà đều bị SXH. Cách đây nửa tháng em gái út bị mắc bệnh phải nhập viện, Phương và chị cả phải thay nhau vào viện trông em. "Trong khi em gái chưa ra viện thì chị cả cũng nhập viện điều trị SXH; tiếp đó chính mình lại bị "dính" bệnh... thành thử bố mẹ ở quê phải "khăn gói" ra Hà Nội chăm cả 3 chị em", Phương kể.

Nhiều sinh viên ở trong khu trọ cũng cho biết, hễ trời mưa to là các phòng đều bị ngập nước. Tìm đến một khu trọ trên đường Cầu Diễn, Bùi Văn Hiệp - sinh viên trường Học viện Tài chính tỏ ra lo lắng khi nghe tin có dịch SXH. "Không lo lắng sao được khi nơi ở của 2 anh em đang ở là căn phòng trong dãy trọ chật hẹp, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, chung quanh nhiều nước bẩn, rác thải bừa bãi, dễ phát sinh mầm bệnh, đặc biệt là SXH. Giờ hễ có ai trong khu này có biểu hiện sốt là mọi người lại cuống hết cả lên", Hiệp nói

Chủ động hơn trong việc phòng ngừa SXH, Nguyễn Bích Ngọc - sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho biết: "Em khá quan tâm đến bệnh này. Bản thân em cũng rất sợ phải đi bệnh viện, chưa kể dạo gần đây nghe tin tức số lượng người tử vong do bệnh SXH ngày càng tăng cao nên cứ chủ động phòng ngừa cho tốt đã".

"Trong phòng em thường đốt đèn tinh dầu sả chanh, mắc màn khi ngủ và chú ý dọn vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc diệt muỗi... theo như khuyến cáo của ngành y tế nhưng vẫn thấy có muỗi xuất hiện trong nhà nên không yên tâm lắm", Ngọc cho hay.

Sinh viên loay hoay

Khu vực nhà trọ tập thể hay ký túc xá cũng là địa điểm dễ bùng phát dịch SXH do có số lượng lớn người cùng sinh hoạt. Ảnh: Thảo Nguyên

Phòng dịch ở xóm trọ - "cha chung không ai khóc"

Một thực tế là rất nhiều khu trọ, sinh viên đang phải nhắm mắt mà sống ở những nơi nhếch nhác, mất vệ sinh. Bởi với số tiền thuê phòng có hạn, họ không được lựa chọn những chỗ ở tốt hơn. Lại thêm cuộc sống tập thể nên vấn đề vệ sinh luôn trong tình trạng "cha chung không ai khóc".

Đã từng mắc bệnh, cuộc sống đảo lộn một thời gian do SXH nên Tuấn luôn chú ý mắc màn khi đi ngủ dù trước đó việc này không phải thói quen của mình. Tuy nhiên không phải ai cũng giống như Tuấn, rất nhiều bạn dù đã từng bị ốm vì muỗi đốt nhưng vẫn hết sức lơ là. Không chỉ lười nhác việc mắc màn, nhiều bạn còn hết sức ẩu trong cách sinh hoạt. Phòng trọ vốn đã chật hẹp nhưng sinh hoạt lộn xộn, không thường xuyên dọn dẹp. Ngoài hành lang, thùng rác, bát đũa sạch vứt lẫn lộn...

Thế nhưng, khi được hỏi về mối lo ngại bị muỗi đốt dẫn đến phát bệnh, nhiều bạn vẫn tỏ ra thản nhiên, không hề lo lắng. Thái độ chủ quan này phổ biến hơn ở những xóm trọ chưa từng có ai bị SXH tấn công.

Sinh viên loay hoay

Những mảng tường rêu mốc, xuống cấp cùng cảnh sinh hoạt khá bừa bộn của một khu trọ sinh viên. Ảnh: Thảo Nguyên

Ông Nguyễn Huy Chiến - chủ một dãy trọ cấp bốn cho biết: “Nhà trọ của tôi có 7 phòng với khoảng 20 người thuê trọ, đa phần là sinh viên đang học tại các trường xung quanh. Tôi thường xuyên nhắc nhở người thuê chú ý giữ gìn vệ sinh, thu gom rác, không để cho muỗi sinh sản để phòng bệnh SXH và có thuê người đến dọn dẹp vệ sinh khu vực sân dãy trọ. Tuy nhiên cũng đâu lại vào đấy, sinh viên sống theo kiểu tạm bợ, không ở lâu dài nên ý thức phòng vệ sinh hay phòng bệnh không được như những nhà dân”.

Trao đổi với PV báo Công lý, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, các công trường xây dựng, các khu nhà trọ và sinh viên là vấn đề vô cùng nhức nhối và khó khăn trong việc phòng chống SXH hiện nay.

Theo ông Cảm, tại các khu trọ sinh viên, do điều kiện sống còn thấp, nên việc giữ vệ sinh, thực hiện phòng chống SXH theo đúng khuyến cáo của ngành y tế còn hạn chế.

Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng cho hay, số lượng người nhập viện vì SXH tại bệnh viện năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Sinh viên cũng là một trong những đối tượng dễ bị lây nhiễm căn bệnh này.

Bác sĩ Cấp cũng đưa ra lời khuyên cho mọi người, đặc biệt là cho các bạn sinh viên để phòng tránh dịch SXH cần diệt bọ gậy, loăng quăng bằng cách đậy kín hoặc vệ sinh các dụng cụ chứa nước, không cho muỗi đẻ trứng. Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ... Khi ở trong vùng dịch, nếu có dấu hiệu sốt, tuyệt đối không nên chủ quan...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên loay hoay "đối phó" dịch sốt xuất huyết