43 năm sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nền tư pháp nước ta đã có những phát triển vượt bậc, đặc biệt về cải cách tư pháp. TS. Lưu Bình Nhưỡng đã dành cho Báo Công lý một buổi trò chuyện về nội dung này.
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
PV: Thưa ông, sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước nền tư pháp Việt Nam phát triển như thế nào và đã đặt ra vấn đề cải cách tư pháp hay chưa?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước chung tay cùng khắc phục hậu quả vô cùng nặng nề của chiến tranh, đồng thời tiến hành xây dựng đất nước; làm nghĩa vụ quốc tế… Mặc dù ưu tiên tập trung cho các nhiệm vụ quan trọng khẩn cấp trước mắt nhưng Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm đến công tác tư pháp, cải cách tư pháp. Tiếp nối kết quả công tác tư pháp thời kỳ vừa xây dựng, vừa kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông từ năm 1946 đến năm 1975, các năm “bước đệm” từ sau ngày 30/4/1975 đến trước khi ban hành Hiến pháp năm 1980, Nhà nước ta đã luôn xây dựng và duy trì một nền tư pháp cách mạng với tinh thần dồn sức để bảo vệ Tổ quốc.
Chủ trương về cải cách tư pháp đã được tiếp tục nêu trong văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ IX, X, XI, XII. Đặc biệt, ngày 2/6/2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó xác định Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm, tranh tụng là khâu đột phá của cải cách tư pháp, đồng thời đưa ra nhiều chủ trương quan trọng về xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ, công tác đào tạo nhằm xây dựng hệ thống cơ quan hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp ở Việt Nam trên cơ sở tổng kết lý luận, thực tiễn trong nước, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước phù hợp với điều kiện nước ta; đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, hội nhập quốc tế.
PV: Ông có thể cho biết kết quả và nhận xét về cải cách tư pháp những năm gần đây, có những dấu mốc và đột phá nào không?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Công tác cải cách tư pháp từ năm 2005 đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng. Về thể chế, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận chính thức nguyên tắc về quyền lực Nhà nước: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.” (khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Từ nguyên tắc này, khoản 1 Điều 102 Hiến pháp đã xác định rõ: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Như vậy, trong lịch sử lập pháp, lập quốc, lần đầu tiên văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất của Nhà nước đã ghi nhận một trong những nguyên tắc quan trọng bậc nhất về quyền lực Nhà nước và quyền lực tư pháp, coi quyền lực tư pháp là một trong ba nhánh quyền lực của Nhà nước cộng hòa. Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, nhiều đạo luật quan trọng được ban hành (Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, các bộ luật về tố tụng…TAND đã chính thức được giao nhiệm vụ xây dựng “án lệ” làm khuôn mẫu cho công tác xét xử…
Về tổ chức, bộ máy, cán bộ và nhân lực thực hiện hoạt động tư pháp cũng đã có nhiều đổi mới. Trong đó, các cơ quan hoạt động tư pháp ngày càng được tăng cường, kiện toàn bộ máy. Công tác đào tạo cán bộ pháp luật và đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp phục vụ cho hoạt động tư pháp trong đó có Thẩm phán được quan tâm đẩy mạnh cả về số lượng và nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp nói chung, hoạt động cải cách tư pháp nói riêng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Hệ thống quy định của pháp luật về hoạt động tư pháp vẫn chưa hoàn thiện, đồng bộ, toàn diện chưa đáp ứng với đòi hỏi nâng cao năng lực hoạt động vì mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, hội nhập quốc tế. Tình trạng xét xử oan, sai còn tồn tại; nhiều trường hợp bị bức cung, nhục hình; nguyên tắc tố tụng tranh tụng vẫn chưa đi vào thực chất; vai trò của luật sư, trợ giúp pháp lý chưa được coi trọng; công tác giám định tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu cả về thời hạn, chất lượng và toàn diện…
PV: Tòa án là cơ quan được giao nhiệm vụ cũng như có sự chuyển mình mạnh mẽ về cải cách tư pháp những năm gần đây, ông có nhận định như vậy không?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Trong suốt quá trình lịch sử, các TAND luôn được xác định là các cơ quan quan trọng bậc nhất của nền tư pháp. Trải qua 3 lần cải cách tư pháp TAND vẫn luôn được coi trọng và là lĩnh vực nhận được sự quan tâm với tính chất là khâu mấu chốt của cải cách tư pháp. Tuy nhiên, thực tế tồn tại trong suốt thời gian dài ở Việt Nam là TAND chưa thực sự được coi là “cơ quan thực hiện quyền tư pháp”, vị trí này đã bị chia sẻ với các cơ quan trong hệ thống bộ máy Nhà nước.
Tuy nhiên, đến khi Hiến pháp năm 2013 ra đời thì vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các TAND mới thực sự được thừa nhận trên bình diện pháp lý. Sự thay đổi đầu tiên dễ nhận thấy chính là về tổ chức của hệ thống các TAND, từ TAND ba cấp đã được chuyển đổi thành hệ thống TAND bốn cấp, tương ứng là sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn. Các phân Tòa hình sự, dân sự, lao động, kinh tế- thương mại, hành chính, vị thành niên đã dần dần được hình thành từ cấp huyện đến cấp TANDTC. Số lượng Thẩm phán TANDTC đã giảm mạnh số lượng, được lựa chọn từ những Thẩm phán có năng lực, phẩm chất nhằm đảm đương những nhiệm vụ quan trọng nhất của hệ thống TAND với tư cách là cơ quan xét xử cao nhất của Nhà nước.
Phải nói rằng, trong những năm gần đây cải cách tư pháp tại Tòa án được chú trọng và có kết quả rõ rệt. Hoạt động tranh tụng được đẩy mạnh. Một số thủ tục tố tụng được đổi mới. Nhiều vụ án oan sai được làm sáng tỏ, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác tư pháp đã góp phần xử lý những vụ “đại án” được dư luận bức xúc, tố cáo, phản ánh, củng cố lòng tin của nhân dân và cử tri đối với hệ thống tư pháp…
TAND đã làm tốt công tác cải cách tư pháp và có rất nhiều thành tựu trong công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật, xây dựng thế chế, ban hành các Nghị quyết, án lệ…Nhiều vụ án đưa ra xét xử thể hiện rõ tinh thần tranh tụng trong cải cách tư pháp được người dân đánh giá cao; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống các TAND ngày càng được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng xét xử và thực hiện quyền tư pháp từ cấp Trung ương đến địa phương.
PV: Vậy để cải cách tư pháp đạt được kết quả như Nghị quyết số 49 đặt ra thì trong thời gian tới cần phải làm gì, nhất là Tòa án, thưa ông?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc tinh thần của Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, cần tiếp tục triển khai hiệu quả, quyết liệt, tạo sự đột pháp trong công tác điều tra, truy tố, thi hành án, hoạt động giám định, luật sư, trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm tốt khâu “đầu vào” và “đầu ra” của hoạt động tư pháp, hỗ trợ hiệu quả cho TAND “thực hiện quyền tư pháp” theo pháp luật.
Đối với các TAND, cần tìm lại và khẳng định lại hình ảnh trong sáng “biểu tượng công lý” đang bị những “con sâu bỏ rầu nồi canh” thời gian qua làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Thẩm phán, cán bộ Tòa án.
Trước hết cần đổi mới về nhận thức về vị trí, vai trò của các TAND. Theo đó, các TAND là độc lập với nhau, cùng có chức năng, nhiệm vụ là thực hiện quyền tư pháp, cần lưu ý rằng, nếu không tôn trọng và giữ gìn, tăng cường tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm, các Tòa án thì không có nền tư pháp minh bạch, công bằng. Việc “hành chính hóa” các TAND sẽ tạo ra “rào cản” tư pháp, có thể dễ dàng làm sụp đổ biểu tượng công lý.
Thứ hai, cần triệt để thực hiện nguyên tắc độc lập về tổ chức và thực hiện nhiệm vụ. TANDTC độc lập với các TAND cấp tỉnh, cấp huyện; Thẩm phán, Hội thẩm độc lập với nhau và chỉ tuân theo pháp luật; các TAND tôn trọng và không được can thiệp đến hoạt động của nhau.
Thứ ba, cần nâng cao năng lực và phẩm chất, bản lĩnh cá nhân, nhất là kỹ năng, kỹ thuật của Thẩm phán, những người giữa vai trò quyết định tới quá trình tố tụng, nhất là khâu điều khiển các quá trình hòa giải, đối chất, tranh tụng, ra bản án, quyết định.
Thứ tư, cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Thẩm phán và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ trong các TAND, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, Thẩm phán vi phạm pháp luật.
Thứ năm, cần rà soát hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động tư pháp nói chung, tổ chức và hoạt động của các TAND nói riêng. Trong đó, cần quy định, giải thích làm rõ những khái niệm có liên quan như “độc lập”, “thực hiện quyền tư pháp”, quản lý tổ chức, án lệ… thống nhất phương thức hành động, áp dụng pháp luật; cuối cùng là tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng, của MTTQ, báo chí và nhân dân tham gia giám sát các hoạt động của Tòa án.
PV: Xin cảm ơn ông!