Cứu trợ doanh nghiệp: Cần làm rõ tiêu chí

16/05/2012 10:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có khoảng 24.000 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 130.000 tỷ đồng, giảm 10,5% về số lượng và 14,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2011; trên 17.700 DN làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động...

Đó là số liệu tại báo cáo chính thức của Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sắp tới, vừa được đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư công bố tại phiên họp ngày 14-5 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Tính đến 30-4, trong tổng số hơn 647.600 DN đã thành lập, cả nước còn khoảng 463.800 DN đang hoạt động, chiếm 71,6%, có trên 81.900 DN đã giải thể, trên 16.000 DN đã đăng ký dừng hoạt động và trên 85.800 DN dừng hoạt động nhưng không đăng ký.

Cứu trợ doanh nghiệp: Cần làm rõ tiêu chí

Các DN đang rất cần các gói hỗ trợ của Chính phủ đến kịp thời, nhanh chóng - Ảnh: Ngọc Thắng

Những con số trên tất nhiên đã nói lên thực trạng khó khăn của doanh nghiệp. Như dự báo của ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì năm nay sẽ có khoảng 50.000 DN giải thể, ngừng hoạt động.  

Tuy nhiên, theo phân tích của Chính phủ, trong số doanh nghiệp giải thể ở 4 tháng đầu năm nay, có nhiều DN năng lực tài chính yếu, sản phẩm kém khả năng cạnh tranh cần phải được cơ cấu lại. Về con số gần 30% DN không còn hoạt động, báo cáo của Chính phủ cho rằng đây là tỷ lệ có thể chấp nhận được. Con số này là không đáng lo ngại nếu so sánh với tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 - 5 năm là 70% tại Anh, hay tỷ lệ DN tồn tại sau 5 năm hoạt động là dưới 50%.

Gói cứu trợ DN lên đến 29.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ thông qua, trong đó đề ra 5 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, ưu tiên cho các DN vừa và nhỏ thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, sắt thép, xi măng...

Đây là một tin tốt lành đối với cộng đồng DN, song cũng có ý kiến lo ngại về việc có thể hình thành cơ chế xin - cho, hay băn khoăn về đối tượng cứu trợ chỉ là DN đang hoạt động chứ không phải là DN đã “chết”.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, thì khi đã bị “khai tử” thì không nên và không thể “cứu”. Mục đích của gói cứu trợ cũng là nhằm vực dậy các DN có tiềm năng, có cơ hội phát triển. Vấn đề là cần quy định rõ các tiêu chí được hưởng chinh sách, nhằm đảm bảo sự công bằng và hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ DN.

Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cứu trợ doanh nghiệp: Cần làm rõ tiêu chí