Chánh án TANDTC trả lời chất vấn: Xem xét thận trọng vụ án có đơn kêu oan, không can thiệp vào quyết định của Thẩm phán

Mai Thoa| 13/03/2015 14:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 13/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã tiến hành chất vấn Chánh án TANDTC về tình hình oan, sai trong xét xử các vụ án hình sự và việc giải quyết các yêu cầu bồi thường oan sai tại các Tòa án.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề cập đến 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đang quan tâm thời gian qua: Vụ án Hồ Duy Hải tử hình tội giết người cướp tài sản có oan không? tại sao khi Chủ tịch nước đã bác đơn ân giảm, chính bị án này cũng từng có đơn xin thi hành án sớm, nay lại hoãn thi hành án? Vụ án Nguyễn Văn Chưởng kết án tử hình trong vụ án giết người ở Hải Phòng có thỏa đáng không? Tại sao những tình tiết như nhau, nhưng bị cáo Lê Bá Mai thì kết án chung thân, còn Hàm Đức Long lại án tử hình? Vụ án Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén.

Ngoài ra, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng trong 5 vụ án trên có dư luận cho rằng bị bức cung, nhục hình. Thực sự có đơn tố cáo bức cung, nhục hình 9 bị can này hay không?

Chánh án TANDTC trả lời chất vấn: Xem xét thận trọng vụ án có đơn kêu oan, không can thiệp vào quyết định của Thẩm phán

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trả lời chất vấn sáng nay 13/3

Chánh án Trương Hòa Bình đã trả lời câu hỏi của đại biểu khá thẳng thắn, đi vào từng vấn đề cụ thể, rõ ràng.

Theo Chánh án TANDTC, 5 vụ án đặc biệt trên và hiện nay các cơ quan tố tụng đang phối hợp giải quyết. Đây là những vụ án cũ từ những năm trước đây bây giờ đặt ra vấn đề phải xem xét thận trọng để giải quyết khắc phục hậu quả nếu có vi phạm pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử và cũng phải khẳng định cái nào đã truy tố, xét xử đúng nhưng khi có đơn yêu cầu và các cơ quan thận trọng xem xét. Đối với những vụ án phức tạp này, việc xem xét cả 3 quá trình tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) phải hết sức thận trọng để đảm bảo nếu oan phải minh oan, nếu có tội thì không để bỏ lọt tội phạm.

Không có dấu hiệu án oan

Trả lời về vụ án Hồ Duy Hải phạm tội cướp của, giết người năm 2008 có oan không? Chủ tịch nước bác đơn, bị án có đơn thi hành án, vì sao phải tạm hoãn? Chánh án TANDTC cho biết, đây là vụ án khi xảy ra sự việc hai nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An) bị giết gây bức xúc dư luận. Gia đình bị hại rất bức xúc và xã hội cũng đã yêu cầu phải điều tra làm rõ. Đây là vụ án truy xét, Cơ quan điều tra điều tra án, phát hiện ra nghi can Hồ Duy Hải; trong quá trình lấy cung, Hải nhận tội giết người, có cả luật sư dự cung.

Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra cũng đã xác minh chứng cứ từ lời nhận tội của Hải. Sau đó VKS truy tố và đưa ra Tòa xét xử. Tại Tòa sơ thẩm Hải nhận tội, Tòa cũng xem xét có bức cung hay không và bản thân Hải tự nhận giết người và nói không có bức cung nhục hình nên Tòa vẫn xét xử. Tòa sơ thẩm đã tuyên Hải có tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm, lời khai của bị cáo cũng có mâu thuẫn khi Hải cho rằng mình không phạm tội. Tòa phúc thẩm nhận định, tuy quá trình điều tra, thu thập chứng cứ có một số sai sót, vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án và kết tội Hồ Duy Hải. Vì vậy, hiện đặt vấn đề có oan hay không, Tòa án trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án thì chưa phát hiện ra có căn cứ kháng nghị, mặc dù có một số thiếu sót trong quá trình thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra, VKS cũng có quan điểm như vậy và không có kháng nghị. Hai cơ quan cũng đã có báo cáo gửi Chủ tịch nước và Chủ tịch nước cũng đã bác đơn ân giảm.

Chánh án TANDTC nhấn mạnh, việc có oan hay không phải căn cứ vào việc người có thẩm quyền có kháng nghị hay không? Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi đưa ra xét xử kết luận có khẳng định có oan hay không. Hiện vụ án đã có hiệu lực pháp luật, Chủ tịch nước đã bác đơn ân giảm, và cũng chưa có căn cứ đưa ra kháng nghị.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, đây là vụ án mà Quốc hội đang giám sát. Trên tinh thần ý kiến của Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đã thành lập Đoàn liên ngành xem xét lại vụ án một cách thận trọng. Tổ liên ngành đã làm việc rất tích cực, quyết liệt, đã phúc tra lại lời cung của Hồ Duy Hải. Khi Đoàn liên ngành vào làm việc hỏi thì Hồ Duy Hải vẫn nhận tội, chỉ có đơn xin giảm án tử hình nên chưa có căn cứ khẳng định là oan.

Tuy nhiên, Đoàn liên ngành rất thận trọng khi xem xét vụ án này. Trong quá trình chờ có kết luận giám sát của Quốc hội, Đoàn liên ngành sẽ tiếp tục xem xét, kiểm tra kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ, khách quan nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng đắn, khách quan, đúng người, đúng tội.

Đối với vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định không phải án oan, nhưng Quốc hội đã có ý kiến, TANDTC sẽ xem xét vấn đề này.

Chánh án TANDTC dẫn chứng, đây là vụ án đã được Tòa án xét xử và VKS có kháng nghị theo hướng giảm án từ tử hình xuống chung thân, nhưng Hội đồng Thẩm phán TANDTC không đồng ý và bác kháng nghị. Căn cứ vai trò của bị cáo Nguyễn Văn Trưởng là cầm đầu, chủ mưu trong vụ án này, quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là hậu quả đến đâu thì người cầm đầu phải chịu trách nhiệm đến đó. Có ý kiến cho rằng Chưởng không trực tiếp làm cho bị hại tử vong, nhưng đối tượng gây tử vong lại nằm trong băng nhóm của Chưởng, do Chưởng cầm đầu chỉ huy, nên khi hậu quả xảy ra thì người cầm đầu, chỉ huy phải chịu trách nhiệm. Do vậy, quan điểm của Hội đồng Thẩm phán là bác kháng nghị. 

Không can thiệp vào quyết định của Thẩm phán

Đó là khẳng định của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khi trả lời câu hỏi của đại biểu vì sao cùng tình tiết như nhau, cùng bị kết án về tội hiếp dâm trẻ em, giết người nhưng Nguyễn Bá Mai nhận án chung thân, còn Hàn Đức Long lại chịu án tử hình?

Chánh án Trương Hòa Bình lý giải, đây là vấn đề áp dụng pháp luật. Cả hai đều phạm tội như vậy, nhưng hình phạt khác nhau. Tội hiếp dâm trẻ em, đối với trẻ em dưới 13 tuổi thì khung hình phạt rất rộng, từ 13 năm đến chung thân hoặc tử hình. Các HĐXX căn cứ vào tình tiết của vụ án, thủ đoạn, hành vi, tính chất nghiêm trọng của hành vi, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định mức hình phạt. Đó là quyết định độc lập của các HĐXX trong phạm vi điều luật, khung hình phạt đó. Chánh án tôn trọng quyết định của HĐXX, và cũng không can thiệp được vào quyết định của HĐXX.

Khi có căn cứ thì Chánh án hoặc Viện trưởng VKS mới có thể kháng nghị xem xét lại. Vụ án Hàn Đức Long, Chánh án TANDTC đã có kháng nghị và Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chấp nhận kháng nghị, hủy án để điều tra lại.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, câu hỏi của các đại biểu đã đi vào những vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng đã trả lời một cách thẳng thắn đi vào từng vấn đề lớn với quan điểm rõ ràng và trách nhiệm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC trả lời chất vấn: Xem xét thận trọng vụ án có đơn kêu oan, không can thiệp vào quyết định của Thẩm phán