Thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo chí bảo vệ lợi ích của xã hội và lợi ích công, nhà báo tác nghiệp cũng dựa trên các tiêu chí đó. Tuy nhiên, thời gian gần đây, báo chí điều tra đang chùng xuống. Bên cạnh việc mang lại hiệu quả xã hội thì không ít nhà báo đang bị rơi vào vòng lao lý bởi chúng ta chưa có sự phân định rõ ràng cho việc ưu tiên áp dụng luật… Đó là một trong những nội dung được đề cập tại Hội t


Nhà báo nên được hưởng quyền “miễn trừ”


Theo kết quả khảo sát thực hiện của tổ chức RED với 384 nhà báo cho thấy đối tượng cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp nhiều nhất là từ cán bộ, nhân viên trong các cơ quan nhà nước (75,26%), thứ 2 là từ khối doanh nghiệp (42,9%), thứ ba là từ các đối tượng xã hội như lưu manh, côn đồ… (38,08%)… Các cán bộ, viên chức nhà nước cản trở báo chí bằng các biện pháp “mềm” và luôn sử dụng cái “khiên” bí mật nhà nước. Còn các doanh nghiệp lại dùng công cụ là “bí mật nội bộ” để cản trở báo chí tác nghiệp.


Vì thế, nếu nhà báo chỉ trông chờ vào việc chủ động cung cấp thông tin từ phía cơ quan nhà nước thì không có bài viết đáp ứng được mong muốn của nhân dân, nhất là những bài liên quan đến bảo vệ tài nguyên và phòng chống tham nhũng. Vậy là báo chí trong nhiều trường hợp phải “nhập vai” để điều tra và tự tìm hiểu thông tin để thu thập được những thông tin chính xác. Theo đánh giá của nhiều nhà báo, biện pháp điều tra này là cách làm mạo hiểm, luôn có tính hai mặt: nếu thành công sẽ đưa nhà báo đến đỉnh vinh quang, nếu thất bại sẽ vùi nhà báo xuống vực sâu, mà ranh giới phân chia chúng không rõ ràng, cả về khía cạnh pháp lý và đạo đức.


Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, nhà báo phải được quyền “miễn trừ” giống như đã tố cáo việc đưa hối lộ, vì đây là hành vi “nhập vai” để tìm ra thông tin “phục vụ lợi ích công”. Và, hiện cũng chưa có một định nghĩa hay danh mục nào liệt kê về lợi ích công. Nhưng Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Tố cáo có quy định các thông tin chống tiêu cực trên báo chí có được từ các cuộc điều tra nhập vai có thể được tôn trọng và khuyến khích. Thậm chí Nhà nước còn phải bảo vệ những người tố cáo như vậy bằng tất cả các biện pháp có thể. Thế nhưng khi so sánh những vụ việc xảy ra gần đây, nhất là những vụ xử lý nhà báo điều tra lại cho thấy nhà báo không được loại trừ trách nhiệm do sai sót của mình, dù sai sót đó không lớn bằng lợi ích công mà họ mang lại cho xã hội.


Không nên hình sự hóa thông tin báo chí


Ông Trường Thành, Điều tra viên cao cấp của Bộ Công an cũng thừa nhận, lợi ích mà hoạt động báo chí đem lại cho cộng đồng là rất lớn, và hiện nay một số ít nhà báo đang bị rơi vào vòng lao lý là điều đáng phải suy ngẫm. Tuy nhiên, trong bất cứ hoạt động nào vì mục đích gì đều phải có điểm dừng, nhà báo cũng là công dân, phải chấp hành theo quy định của pháp luật. Ông Thành cũng khuyến cáo, khi điều tra phát hiện vụ việc nhà báo cần phối hợp hay báo với cơ quan Công an để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Vì trong khi chưa sửa được Luật Báo chí nhằm bảo vệ nhà báo tối đa khi phục vụ lợi ích công thì chúng ta vẫn phải chấp hành pháp luật hiện tại (BLHS).

Những bài báo cùng bằng chứng mà báo chí đã cung cấp cho Cơ quan điều tra. (Nguồn: Internet)


Tuy nhiên, nhà báo Việt Chiến (Báo Thanh niên) cho rằng, việc phối hơp với Cơ quan điều tra không thực sự tốt như ông Thành nói, ví dụ: Loạt bài điều tra về xăng dởm vừa qua, cơ quan này trước khi đăng bài đã “ôm” hồ sơ sang cơ quan Công an nhưng sau khi báo đăng, dư luận bức xúc lên đến đỉnh điểm nhưng đến nay việc điều tra dường như vẫn “án binh bất động”. Ông Chiến cũng đặt câu hỏi, đối với những vụ báo chí phanh phui còn như vậy thì những vụ việc chỉ cung cấp hồ sơ mà không đăng tải thì sẽ “chìm xuồng” đến đâu?


Rào cản lớn nhất hiện nay là Luật Báo chí có hiệu lực nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn được ban hành. Ông Phạm Viết Đào, Trưởng phòng Thanh tra công vụ Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho biết, hoạt động báo chí mang đến lợi ích cho xã hội rất lớn và gần đây hoạt động điều tra của báo chí dường như đang chùng xuống. Hiện nay, chúng ta đang hình sự hóa thông tin báo chí rất nhiều và đó chính là rào cản cho báo chí. Ví như cầu thủ khi vào sân thì đá hết mình, có thể gây thương tích cho cầu thủ khác hay tai nạn bất ngờ, nếu cũng bị xử lý hình sự thì còn có ai dám đá không? Tương tự như báo chí cũng vậy, báo chí có luật chuyên ngành thì cần phải ưu tiên áp dụng luật này trước khi áp dụng BLHS đối với từng trường hợp cụ thể.


Bình Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí