Sắp điều chỉnh giá dịch vụ y tế

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 14-2, tại buổi giao ban báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, lãnh đạo Bộ Y tế thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế ban hành tại Thông tư liên bộ số 14/TTLB năm 1995 và một số dịch vụ ban hành năm 2006.


Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý những nội dung điều chỉnh giá, dịch vụ y tế ban hành kèm theo thông tư này. Cụ thể, giá khám bệnh tại các bệnh viện, trạm y tế có mức thấp nhất là 5.000 đồng, cao nhất là 20.000 đồng, tùy theo danh mục phân hạng bệnh viện; giá giường bệnh nội khoa dự kiến điều chỉnh từ 20.000 đồng đến 80.000 đồng/ngày, giường bệnh ngoại khoa có mức từ 28.000 đến 145.000 đồng/ngày, giường bệnh hồi sức cấp cứu dự kiến điều chỉnh từ 50.000 đến 150.000 đồng/ngày; Bổ sung mức thu ngày giường bệnh hồi sức tích cực (ICU) tối đa là 335.000 đồng; bổ sung mức thu ngày giường bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực tối đa là 20.000 đồng, tại trạm y tế xã phường, thị trấn là 12.000 đồng.

Bác sĩ khám cho người bệnh


Giá các dịch vụ, kỹ thuật y tế theo Thông tư 14 quy định khung giá của 352 dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán hình ảnh, sau khi rà soát đề nghị ban hành 330 dịch vụ, bỏ 130 dịch vụ để tránh chồng chéo; Điều chỉnh 222 dịch vụ thành 277 dịch vụ do chia tách các dịch vụ thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau có giá khác nhau; Bổ sung giá của 53 dịch vụ do chưa có giá thu (tăng quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được BHXH thanh toán)…


Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế, khách quan, nếu được điều chỉnh sẽ tác động đến một số đối tượng trong xã hội nhưng cũng mang lại một số hiệu quả kinh tế-xã hội như, người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn do bệnh viện có kinh phí để phục vụ người bệnh. BHYT thanh toán mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ BHYT đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ BHYT không thanh toán…


Đối với 62% dân số đã có thẻ BHYT (khoảng 53 triệu người) không bị ảnh hưởng nhiều vì, các đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng khi khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi phí 100% nên không bị ảnh hưởng; Các đối tượng thuộc hộ nghèo, hưu trí, dân tộc thiểu số… đã được Nhà nước bảo đảm kinh phí để mua bảo hiểm y tế và được thanh toán 100% khi khám chữa bệnh tại tuyến xã và 95% khi khám bệnh tại các bệnh viện tuyến trên; tương tự đối tượng là học sinh, sinh viên hay các hộ cận nghèo cũng đã được Nhà nước hỗ trợ từ 20-50% để tham gia BHYT. Còn đối với khoảng 38% dân số còn lại chưa có thẻ BHYT, chủ yếu là các đối tượng có mức thu nhập trung bình trở lên, có bị ảnh hưởng nhưng do chỉ điều chỉnh 445/3.000 dịch vụ, nên các đối tượng này vẫn có khả năng chi trả.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị, đối với các đối tượng nghèo, gia đình diện chính sách… vẫn duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT để kiểm tra, kiểm soát, tránh lợi dụng, lạm dụng Quỹ BHYT. Trong trường hợp mức đồng chi trả lớn, cần đề xuất biện pháp hỗ trợ của Nhà nước để giúp các đối tượng trên giảm bớt khó khăn (có thể cấp lại một số trong 5% đồng chi trả - không miễn để kiểm tra, kiểm soát).


Thời điểm ban hành văn bản này khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3-2012.


M.Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp điều chỉnh giá dịch vụ y tế