Thở, ăn, uống, đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự tăng cao?

Ngọc Mai| 31/10/2019 18:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là câu hỏi ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu tại Hội trường Quốc hội, cũng là vấn đề nóng, trăn trở của nhiều ĐBQH trước thực trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày càng nhiều, gây nguy hại trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Phải có biện pháp bảo vệ nguồn nước cho người dân

Trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước ngày 31/10, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu lên thực trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng. Bà nêu lại những vụ ô nhiễm nước sạch, không khí xảy ra vừa qua và đặt câu hỏi: “Thở, ăn, uống, đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự tăng cao?”.

Đại biểu Hưng Yên cho rằng ô nhiễm vẫn tiếp diễn và hỏi Chính phủ đã thực sự vào cuộc xử lý quyết liệt vấn đề ô nhiễm hay chưa. Bà Phúc cũng nêu ví vụ về sự ô nhiễm tại hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang nghiêm trọng cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, bệnh viện, làng nghề, cơ sở sản xuất, làng nghề…

“Kiến nghị Thủ tướng khuyến khích ngành công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải; tăng chế tài xử lý ô nhiễm; có cơ chế liên kết vùng với vấn đề này”, ĐB Phúc nói.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cũng cho rằng, quản lý nguồn nước ngọt và các nhà máy nước vừa qua đang có nhiều bất cập cả trong quy hoạch, khai thác và bảo vệ. Qua nhiều sự cố liên quan đến xả thải của các doanh nghiệp ra biển, các dòng sông đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và gần đây, sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho nhà máy nước sông Đà mới đây... đã cho thấy, công tác quản lý nhà nước đối với nguồn nước ngọt còn nhiều sơ hở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không bảo đảm sức khoẻ cho người dân.

Cũng theo ĐB Thái Trường Giang, chúng ta đều nhận thức được mức độ nguy hiểm như thế nào khi xảy ra sự cố nhà máy nước sông Đà vừa qua. Từ những vấn đề gây ô nhiễm môi trường do nước thải xả trực tiếp ra môi trường khi chưa được xử lý có nhiều nguyên nhân khác.

Vấn đề bức xúc đặt ra là đã đến lúc Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương có liên quan cần nghiêm túc xem xét tổ chức thực hiện tốt các Luật: Tài nguyên nước 2012, Bảo vệ môi trường 2014, Thủy lợi 2017...; đồng thời, triển khai quy hoạch vùng liên quan đến nguồn nước, lưu vực sông...

Đặc biệt, phải có biện pháp bảo vệ nguồn nước để cung cấp và bán cho người dân. Nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu khác là nguồn nước ngầm đã được Chính phủ quan tâm, hạn chế khai thác hoặc khai thác theo quy hoạch, kế hoạch tiến tới sẽ giảm trữ lượng nước ngầm. Việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức tạo ra nhiều hệ lụy.

Điều này sẽ càng gây áp lực nhiều hơn nguồn nước cấp sinh hoạt có nguồn gốc từ nước mặt từ các dòng sông và lưu vực sông.

Ông Giang đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát lại và có báo cáo cụ thể về việc tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chính phủ cần tiến hành quy hoạch các nguồn nước lưu vực sông theo Luật Quy hoạch để bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất; chỉ đạo kiểm tra các địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan đến các nhà máy nước trên cả nước, chú ý tới các giải pháp chủ động ngăn chặn việc cố ý gây ô nhiễm, nhiễm độc cho nguồn nước thô là nguyên liệu cung cấp cho nước sinh hoạt của người dân và có giải pháp hiệu quả của cơ quan, đơn vị, địa phương về việc đối phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, nhiễm độc nguồn nước nếu xảy ra.

Chính phủ cũng cần rà soát quy hoạch và xây  dựng các hồ chứa nước ngọt để phục vụ cho dân cư phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu mỗi vùng, đặc biệt là vùng dân cư ven biển vốn thiếu nguồn nước ngọt.

Bổ sung các giải pháp về GDP xanh, vật liệu thay thế, tái chế

ĐB Ngô Sách Thực (Bắc Giang) dẫn số liệu kết quả điều tra năm 2018 cho thấy, trên 70% nhân dân quan tâm về ô nhiễm môi trường, nhiều nơi người dân bức xúc. 

Thở, ăn, uống, đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự tăng cao?

ĐBQH Ngô Sách Thực (Bắc Giang) phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Thực nêu: Nhiều tồn tại, hạn chế dù đã được chỉ đạo nhưng việc khắc phục còn chậm như: phân loại rác, chất thải rắn tại nguồn cũng như chưa có hệ thống thu gom xử lý rác, phân loại tại nguồn thích hợp, nhiều nơi chính chỗ tập kết rác là nơi gây ô nhiễm. 

Công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa cao; tổ chức việc thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác chưa đồng bộ. Nhiều nơi đã thực hiện phân loại từ hộ nhưng khi thu gom, vận chuyển, xử lý thì lại chung. 

Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tuy đã được tăng cường chỉ đạo quyết liệt, nhưng một số nơi chưa xử lý dứt điểm. 

Việc kiểm soát nước thải tại nhiều đô thị chưa tốt, chúng ta mới có 12,5% lượng nước thải đô thị loại 4 được xử lý và 46,5% các địa phương có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại đô thị, tỷ lệ xả nước trực tiếp còn rất cao. 

Ô nhiễm nguồn nước, không khí, an toàn thực phẩm vẫn là điều đáng lo ngại. Sự cố môi trường xảy ra  một số nơi như thể hiện cảnh báo, thông tin phòng ngừa chưa kịp thời.

Từ thực tế này, đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị, cần chỉ đạo tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường và tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 – 2020 trong năm 2020. Bổ sung các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới nhất là các giải pháp về GDP xanh, vật liệu thay thế, tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, tái định cư, chống tác hại của sạt lở vùng núi, sông, biển đang thường xuyên đe dọa tính mạng, đời sống của nhiều hộ dân.  

Chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các luật có liên quan để hoàn thiện cơ chế chính sách và văn bản pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong đó có sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. 

Tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường đầu tư và nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này, trong khi nguồn lực thực hiện cho môi trường rất cần thiết, nhưng với kinh phí 1% ngân sách cho bảo vệ môi trường nhiều nơi bố trí không đủ, có nơi bố trí được nhưng không tiêu được và việc phân bổ chi cho đầu tư phát triển cho tài nguyên môi trường đạt thấp.

Cùng với đó, cần tăng cường chỉ đạo quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường. Ngoài việc chỉ đạo kiểm tra thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định các dự án đầu tư đầu tư, khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, kiểm soát xả thải, kiểm soát nhập khẩu công nghệ, kiểm soát chất cấm nhập khẩu…

Theo ĐB Ngô Sách Thực, cần chỉ đạo, bổ sung hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, hoàn thiện cơ chế người xả thải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng bị truy tố trước pháp luật. 

Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong xử lý nước thải và cần tổ chức biểu dương các sáng kiến hoạt động, cách làm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong nhân dân hàng năm và định kỳ. Việc sát dân, gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân sẽ có cách làm hay trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời chỉ đạo các cấp các ngành liên quan xây dựng phương án xấu nhất để xử lý sự cố môi trường có thể gây ra, mở rộng hệ thống quan trắc môi trường để có cảnh báo sớm thông tin kịp thời cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thở, ăn, uống, đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự tăng cao?