Giới chức Ấn Độ và Pakistan cho rằng, việc công bố hơn 1.000 hình ảnh người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp gần Mecca sáng 24/9 cho thấy, chính quyền Arập Saudi đã cung cấp một bức tranh không đầy đủ về con số thương vong.
Số người thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp gần Thánh địa Mecca là trên 1.000 người? Ảnh: AP
Các quan chức Arập Saudi không đưa ra lời bình luận nào về sự khác biệt giữa con số 769 người - mà Bộ Y tế Arập Saudi thông báo thiệt mạng trong lễ hành hương Hajj năm nay ở thung lũng Mina (cách Thánh địa Mecca khoảng 5km) với những bức ảnh về người tử vong nhận được từ một quan chức Pakistan.
Phát biểu trong buổi họp báo phát sóng trên toàn quốc, ông Tariq Fazal Chaudhry, một nghị sĩ Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) cầm quyền, cho biết, giới chức trách A rập Saudi đã gửi cho các nhà ngoại giao “1.100 bức ảnh” về người thiệt mạng. Những bức ảnh này có thể được thấy tại các đại sứ quán và phái đoàn ngoại giao nước ngoài ở Arập Saudi.
“Đây là số người thiệt mạng chính thức mà các quan chức Arập Saudi cung cấp căn cứ vào tiến trình nhận dạng”, ông Chaudhry nói.
Ông Chaudhry hiện phụ trách công tác giải quyết thảm họa này của Pakistan. Những lời phát biểu của ông tương đồng với nhận định gần đây của Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj.
Trước đó, ông Swaraj từng đăng tải trên Twitter rằng, có 1.090 tấm ảnh về số người thiệt mạng tại thảm họa giẫm đạp Hajj do quan chức Arập Saudi cung cấp. Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ lại từ chối bình luận về thông tin này.
Thảm họa Mecca năm nay khiến mâu thuẫn giữa Iran (130 công dân nước này đã thiệt mạng trong vụ thảm họa này) và Arập Saudi ngày càng tăng. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei yêu cầu “chính quyền Arập Saudi phải xin lỗi và làm rõ về vụ giẫm đạp tại Thánh địa Mecca”. Tehran cáo buộc khâu tổ chức của Arập Saudi “yếu kém, thiếu an toàn”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Arập Saudi Adel al-Jubeir khẳng định, chính quyền nước này luôn quan tâm và đảm bảo an toàn cho những người hành hương khi đến Thánh địa Mecca. Ông cáo buộc Tehran “đang sử dụng vụ tai nạn này như một nước cờ chính trị” nhằm vào Riyadh.
Còn theo Bộ trưởng Y tế Arập Saudi Khalid Al-Falih, thảm họa xảy ra bởi cách hành xử của những người hành hương khi quá nhiều người phớt lờ chỉ dẫn của các nhà tổ chức trước khi diễn ra nghi lễ tâm linh “ném đá ma quỷ”.