Tiếp bước Thượng viện Mỹ, ngày 13/1, Hạ viện Mỹ thông qua một biện pháp quan trọng đánh dấu bước đầu tiên hướng đến xóa bỏ đạo luật y tế Obamacare của Tổng thống Barack Obama, bất chấp việc chưa có phương án thay thế.
Với 227 phiếu thuận và 198 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua việc yêu cầu các ủy ban soạn thảo và phải trình một dự luật trước ngày 27/1, nhằm bãi bỏ Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền năm 2010 (PPACA), còn gọi là Obamacare.
Trước đó, ngày 12/1 cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ cũng có kết quả tương tự. Như vậy, cả 2 viện Quốc hội Mỹ đã thúc đẩy việc bãi bỏ Obamacare bất chấp những quan ngại rằng chưa có một phương án thay thế hợp lý và nguy cơ tốn kém khi triển khai kế hoạch này.
Nhà Trắng mô tả Obamacare là thành công lớn, cho biết hơn 20 triệu người dân Mỹ đã có bảo hiểm sức khỏe nhờ đạo luật. Phe Dân chủ cảnh báo xóa bỏ Obamacare có thể khiến hàng triệu người Mỹ không còn được chi trả bảo hiểm.
Quốc hội Mỹ đã thúc đẩy việc bãi bỏ Obamacare
Nhưng bãi bỏ Obamacare vốn là cam kết chủ chốt của phe Cộng hòa cũng như Tổng thống đắc cử Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Không một thành viên đảng Dân chủ nào ở cả hai lưỡng viện ủng hộ bước tiến này của đảng Cộng hòa. Điều này cho thấy, hai đảng sẽ đối đầu căng thẳng trong thời gian tới.
Về phía Tổng thống Trump, ông rất hoan nghênh kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội với dòng trạng thái trên Twitter rằng, “Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền sẽ sớm trở thành lịch sử”.
Nghị quyết mà 2 viện Quốc hội Mỹ vừa thông qua không cần có sự cho phép của Tổng thống, bởi nó là tiến trình nội bộ cơ quan lập pháp. Một khi dự luật bãi bỏ Obamacare được công bố thì cả 2 viện Quốc hội sẽ phải bỏ phiếu thông qua và cần có chữ ký phê chuẩn của Tổng thống.
Nhưng tới lúc đó ông Trump đã nhậm chức Tổng thống và ông chắc chắn sẽ đề nghị Quốc hội nhanh chóng thông qua việc bãi bỏ một trong những di sản lớn nhất của người tiền nhiệm Barack Obama.