Một đạo luật mới vừa được Quốc hội Israel thông qua khiến tương lai về một Trung Đông hòa bình ngày càng trở nên xa vời.
Hãng thông tấn Aljazeera đưa tin, các nhà lập pháp Israel vừa thông qua một đạo luật khiến việc ổn định tình hình ở Jerusalem ngày càng trở nên khó khăn.
Theo đó, đạo luật quy định sẽ cần phải có 2/3 sự đồng thuận trong Quốc hội Israel, trước khi chính phủ nước này từ bỏ quyền kiểm soát bất kỳ phần lãnh thổ nào của Jerusalem và trao nó cho một thực thể nước ngoài.
Jerusalem là một trong những điểm nóng thu hút sự chú ý của thế giới trong những tuần cuối năm 2017
Đạo luật này được đánh giá là sẽ khiến cho viễn cảnh giao lại một phần của thành phố cho chính quyền Palestine trở nên xa vời hơn nữa. Từ lâu, người dân Palestine muốn Đông Jerusalem trở thành thủ đô của một nước Palestine độc lập.
Được biết, đạo luật này được liên minh cầm quyền cánh hữu của Israel “chống lưng” và được 64 thành viên Quốc hội nước này bỏ phiếu ủng hộ, trong khi tỷ lệ phản đối là 52 người.
Các nhà lập pháp Israel còn tìm cách dời bỏ các khu người Palestine đang sinh sống thuộc thành phố Jerusalem. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hai khu vực của người Palestine - Kufr Aqab và trại tị nạn Shuafat, hiện nằm ở phía bên kia của bức tường ngăn cách do Israel xây.
Trong khi đó, hầu hết người Palestine tại Jerusalem đều sở hữu giấy công nhận thường trú lâu dài mà không phải là quốc tịch Israel, điều này có thể dẫn tới việc họ sẽ phải rời thành phố. Theo tổ chức Quan sát Nhân quyền ước tính, kể từ khi nắm quyền kiểm soát Jerusalem vào năm 1967, Israel đã hủy bỏ giấy phép cư trú của gần 15.000 người Palestine.
Hiện, Jerusalem là một trong những điểm nóng thu hút sự chú ý của thế giới trong những tuần cuối năm 2017, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel. Ông Trump cũng đề cập đến khả năng chuyển đại sự quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Quyết định của Tổng thống Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích và phản đối dữ dội từ người dân Palestine và cộng đồng thế giới. Trong một nghị quyết của mình, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã gọi động thái của Mỹ là vô hiệu lực và không có giá trị pháp lý.