Những “cuộc chiến” đầu năm mới 2018 của Tổng thống Trump

Hà Kim| 15/01/2018 15:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào năm mới 2018 bằng phong thái hùng hổ khác thường khi châm ngòi nhiều cuộc chiến mới trên Twitter.

Theo đó, chỉ vài giờ sau khoảnh khắc giao thừa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi người dân Pakistan là những "kẻ dối trá và lừa đảo đi ủng hộ bọn khủng bố".

Trong dòng tweet xuất hiện ngày 1/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ đã hỗ trợ Pakistan hơn 33 tỉ USD trong vòng 15 năm qua một cách "ngốc nghếch" mà không nhận lại được điều gì, đồng thời ông cam kết sẽ chấm dứt việc hỗ trợ này cho đến khi Pakistan ngừng ủng hộ phiến quân thuộc mạng lưới Haqqani và Taliban.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo quyết định này, song từ chối tiết lộ con số viện trợ cho Pakistan bị đình chỉ. Tuy nhiên, theo một quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết, khoản viện trợ này khoảng hơn 255 triệu USD được dùng trong gói viện trợ quân sự cho Pakistan đã bị giữ lại.

Phản ứng trước những phát ngôn mới nhất của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif gọi đây là “chiêu trò chính trị” nhằm che dấu sự thất bại của Mỹ tại Afghanistan, nơi các nhóm vũ trang Taliban đang mở rộng vùng lãnh thổ chiếm đóng và thực hiện các vụ tấn công lớn.

Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi ngay lập tức triệu tập một cuộc họp Ủy ban an ninh quốc gia. Cuộc họp kéo dài 3 giờ đã ghi nhận sự thất vọng sâu sắc của Pakistan đối với tuyên bố của Tổng thống Mỹ và khẳng định Pakistan vẫn cam kết đóng vai trò xây dựng trong tiến trình hòa bình của Afghanistan. Đồng thời, thẳng thừng tuyên bố không cần viện trợ của Mỹ. Phản ứng mạnh mẽ của Pakistan báo hiệu một giai đoạn đầy sóng gió trong mối quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống này.

Với Palestine, trong các dòng bình luận trên Twitter ngày 2/1, Tổng thống Trump nói rằng, Mỹ phải "viện trợ hàng trăm triệu USD mỗi năm cho Palestine nhưng không được tôn trọng". Ông Trump cũng đe dọa cắt viện trợ cho đến khi họ đồng ý ngồi xuống đàm phán hòa bình với Israel, một động thái được cho là còn nguy hiểm hơn cả việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trước đó, Tổng thống Mỹ viết trên trang Twitter cá nhân rằng: “Nếu như người Palestine không muốn nói chuyện hòa bình, tại sao chúng ta phải đưa thêm những khoản viện trợ lớn trong tương lai”.

Đáp lại những phát ngôn của Mỹ, ngày 3/1, phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Nabil Abu Rudeina, ông Nabil Abu Rdainah tuyên bố, Jerusalem là thủ đô vĩnh cửu của Palestine và không phải thứ để bán dù để đổi lấy vàng hay hàng tỷ USD, Mỹ phải tôn trọng điều đó. Trong khi đó, ông Hanan Ashrawi, lãnh đạo điều hành cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tuyên bố người dân Palestine sẽ không bị “hăm dọa”.

Những “cuộc chiến” đầu năm mới 2018 của Tổng thống Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Hiện, phát ngôn dọa ngưng viện trợ của ông Trump hứng chỉ trích lớn từ phía Palestine, vốn đã rất giận dữ khi ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Trong khi đó, rất đông người Israel lại hoan nghênh ý định của ông Trump, rằng điều này sẽ gây áp lực lên Palestine. Tuy nhiên, không phải không có ý kiến phản đối từ phía Israel. Chính trị gia đối lập Tzipi Livni, cựu Ngoại trưởng Israel lo ngại điều này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, và Israel cũng sẽ lãnh hậu quả từ đó.

Với Iran, ông Trump tuyên bố chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani "thất bại toàn tập" và thể hiện sự ủng hộ của Washington với những người biểu tình chống chính phủ trong bất ổn lớn nhất Iran kể từ năm 2009.

Còn với Triều Tiên, ông Trump nói "nút hạt nhân" mà ông nắm giữ còn "to hơn nhiều lần" so với thiết bị mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể có trong tay. Bình luận của tổng thống Mỹ dường như chỉ là một lời nói đùa nhưng khiến không ít người nghĩ đến viễn cảnh cuộc chiến tranh hạt nhân đầu tiên xảy ra trên thế giới sau hơn 70 năm.

Tuy nhiên, việc ông Trump "khoe" về nút hạt nhân trên Twitter bị nhận xét là "hành động trẻ con" và có thể khiến ông đánh mất lòng tin của các đồng minh.

Những người chỉ trích Trump cho rằng, chiến lược ngoại giao Twitter ông đang thực hiện đã đủ tồi tệ nhưng chiến lược hạt nhân thông qua Twitter còn tồi tệ gấp nhiều lần và có thể dẫn tới những hệ lụy khủng khiếp. Giới phân tích lo sợ hành động của ông sẽ gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Mỹ với các nước trên toàn cầu, thậm chí dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ngoài các cuộc chiến ngôn từ với các quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn khiêu chiến với cả cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon khi gọi ông này là người "mất trí".

Lời chỉ trích này được đưa ra sau khi ông Bannon định cho xuất bản cuốn sách “Lửa và Giận dữ: Bên trong Nhà Trắng của ông Trump” do nhà bình luận chính trị nổi tiếng Michael Wolff chấp bút có đề cập các cuộc tiếp xúc của các quan chức tham gia chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump với Nga cũng như hé lộ một “Nhà Trắng đầy hỗn loạn”.

Cũng trong cuốn sách này, ông Steve Bannon đã bình luận rằng, ông Trump không thực sự muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và cũng chẳng chuẩn bị gì cho công việc này hết.

Gần như ngay lập tức, luật sư của Tổng thống Trump, ông Charles Harder ra thông cáo nêu rõ, ông Trump có thể kiện ông Michael Wolff và nhà xuất bản Henry Holt & Co vì tội phỉ báng và sẽ có hành động pháp lý thích đáng nhằm vào ông Bannon.

Trong khi đó, nhà xuất bản Henry Holt & Co cho biết đã nhận được thư cảnh báo từ ông Charles Harder nhưng sẽ vẫn xuất bản. Thậm chí, nhà xuất bản Henry Holt & Co trước đó còn định đẩy nhanh việc xuất bản cuốn sách “Lửa và Giận dữ: Bên trong Nhà Trắng của ông Trump” với lý do nhu cầu đặt sách đã tăng lên ở mức chưa từng có tiền lệ.

Như vậy, có thể thấy, những dòng tweet mới nhất từ Tổng thống Trump đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới tin rằng ông ấy không chỉ bất ổn, thiếu tin cậy mà còn thực sự nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “cuộc chiến” đầu năm mới 2018 của Tổng thống Trump