Nếu đối thủ của Nga xem MH17 chính là chiếc vòng kim cô có thể trói chặt ông chủ Điện Kremlin bất cứ lúc nào, thì hẳn cựu điệp viên KGB Vladimir Putin cũng đã chuẩn bị cho mình chiếc gậy như ý thần kỳ.
Những thông tin không mới nhưng vô cùng bất ngờ của Ủy ban điều tra phối hợp (JIT) về vụ tai nạn hàng không MH17 cách đây hơn hai năm có vẻ như đang đẩy nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin vào thế bất lợi.
MH17 - Bí ẩn không lời giải không hề dễ chịu
Ngày 28/9, tại thành phố Nieuwegein (Hà Lan), Ủy ban điều tra phối hợp (JIT) đã công bố báo cáo mới nhất về vụ MH17 bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine hồi tháng 7/2014. Theo đó, JIT cho biết, MH17 đã bị tên lửa BUK do Nga chế tạo bắn rơi từ khu vực của phe ly khai ở miền Đông Ukraine - một kết luận không mới so với những thông tin trước đây.
Hiện trường vụ thảm họa hàng không mang tên MH17 - nỗi ám ảnh đối với cộng đồng quốc tế. Ảnh: RT
Ngày 17/7/2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã nổ tung trên bầu trời miền đông Ukraine giữa hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia). Tất cả 298 người, trong đó phần lớn mang quốc tịch Hà Lan, đã thiệt mạng. |
Thế nhưng, tiết lộ mà đội điều tra quốc tế - do Hà Lan dẫn đầu, cùng các nhà điều tra Autralia, Bỉ, Malaysia và Ukraine - đưa ra khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng hơn. Theo JIT, hệ thống tên lửa phòng không BUK đã được “lén đưa” từ Nga vào Ukraine, rồi sau đó trở lại Nga ngay sau khi MH17 bị bắn hạ (?). Ngoài ra, báo cáo của JIT còn xác định, có tới 100 nghi phạm liên quan đến vụ bắn hạ MH17, song không đề cập chi tiết.
Kết quả của JIT dự kiến sẽ là bằng chứng được sử dụng cho các vụ kiện tụng liên quan đến MH17, trong đó có vụ gia đình các nạn nhân MH17 kiện Nga và Tổng thống Putin lên Tòa án Nhân quyền châu Âu hồi tháng 5/2016 - với mức phí bồi thường là 10 triệu đô-la Australia (7,2 triệu USD) cho mỗi nạn nhân.
Tất nhiên ngay sau đó, Moscow đã lên tiếng phản đối hoàn toàn kết luận của JIT. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, kết quả này “không công bằng và mang động cơ chính trị”. Theo bà, việc tùy tiện gán cho một bên có tội và “bịa ra những kết quả” (bất lợi cho Nga) vốn là chuyện bình thường của phương Tây. Thậm chí, vài ngày trước, Moscow còn đưa ra những chứng cứ “mới” trích xuất từ dữ liệu radar, khẳng định MH17 bị bắn rơi bởi tên lửa từ lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát; và rằng, JIT đang điều tra theo hướng “sai lầm”.
Vô hiệu uy lực "vòng kim cô" MH17, Putin cần có gậy như ý
Mới chỉ khoảng 10 ngày trước thời điểm JIT công bố kết quả điều tra vụ MH17, sau khi có kết quả cuộc bầu cử Duma Quốc gia lần thứ 7, ông chủ Điện Kremlin rất tự tin phát biểu với báo giới rằng, chiến thắng của đảng Nước Nga thống nhất cho thấy cử tri Nga vẫn tin tưởng vào các nhà lãnh đạo nước này, bất chấp nước Nga đang chìm sâu trong suy thoái kinh tế dưới tác động kép của giá dầu giảm sâu và lệnh trừng phạt của phương Tây. Không chỉ có vậy, Tổng thống Putin còn lên kế hoạch tạo ra một cơ quan tình báo kiểu KGB “phiên bản Putin” - được cho là nhằm củng cố quyền lực và uy tín của mình.
Những thông tin mới nhất về vụ MH17 liệu có làm cho uy tín Tổng thống Vladimir Putin suy giảm?
Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 19/9 dẫn thông báo của Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) cho biết, với 93% số phiếu đã được kiểm, đảng Nước Nga thống nhất của Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev không chỉ giành thắng lợi mà còn bỏ xa các đảng khác trong cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga. |
Dù vậy cần phải khẳng định một điều, Moscow khó có thể làm lơ kết luận của JIT. Bởi, theo nhận định của một số nhà quan sát, trái với ưu thế của trên vũ đài chính trị quốc tế suốt từ cuối năm 2015 khi quyết định mở chiến dịch không kích chớp nhoáng chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria, dường như ông chủ Điện Kremlin đang rơi vào một mớ bòng bong do… “chính Putin” tạo ra.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn cho rằng, những vấn đề liên quan đến mối quan hệ đầy căng thẳng giữa Moscow và Kiev - MH17, Crimea cùng cáo buộc chính Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện nay ở miền Đông Ukraine hiện nay - sẽ tạo ra nhiều bất lợi, thậm chí có thể khiến kế hoạch tranh cử Tổng thống Nga năm 2018 (nếu có) của ông Putin… tan thành mây khói. Đáng lưu ý, vụ tai nạn hàng không dân dụng hơn hai năm về trước mang tên MH17 hiện vẫn như chiếc “vòng kim cô” trong tư thế sẵn sàng siết chặt người đàn ông thép bất cứ lúc nào; và rõ ràng, để vô hiệu hóa hoàn toàn “uy lực” của nó là bài toán không hề dễ giải nếu không tìm ra được chiếc gậy như ý thần kỳ.
Nói đi cũng phải nói lại, dường như ở xứ sở Bạch Dương luôn tồn tại một quy luật không hề bất biến, càng bị bên ngoài (Mỹ và phương Tây cô lập), dân Nga lại càng đoàn kết, và uy tín của Tổng thống Putin lại càng tăng. Dưới đây là một vài con số cụ thể:
Tháng 7/2014, tức 4 tháng sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga thông qua một cuộc trưng cầu dân ý mà Mỹ, phương Tây và Ukraine cho là không hợp hiến, bất chấp xung đột Ukraine và khủng hoảng kinh tế trong nước leo thang, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin vẫn tăng cao kỷ lục. Thậm chí khi ấy, một số nhà phân tích còn nhận định đó là một hiện tượng có một không hai trong nền chính trị hiện đại.
Đến tháng 3/2015, một cuộc thăm dò Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Xã hội toàn Nga thực hiện lại đưa ra kết quả kinh ngạc hơn: 88% số người được hỏi tán thành với những hành động, chính sách của Tổng thống Putin. Con số này khiến các chính trị gia quốc tế cũng như giới học giả vô cùng khó hiểu. Điều gì khiến dân chúng Nga đặt niềm tin mạnh mẽ vào nhà lãnh đạo Nga như vậy? Điều gì khiến nhiều người cho rằng, chính Tổng thống Putin là biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn nước Nga?
Tất nhiên, để đi tìm câu trả lời đầy đủ, cụ thể và chính xác nhất về sức hấp dẫn của ông chủ Điện Kremlin không dễ. Bởi có những điều hiển hiện rất rõ ràng nhưng những người theo thuyết âm mưu luôn cố đi tìm bí ẩn thực sự - mà họ cho là đúng - ẩn giấu phía sau. Mà với một người khó đoán như cựu điệp viên KGB Vladimir Putin, hiện thực cũng đã là một huyền thoại.