Bất chấp các nỗ lực vãn hồi của cộng đồng quốc tế, bốn nước Arab vừa tiếp tục bổ sung 9 tổ chức và 9 cá nhân vào danh sách trừng phạt do liên hệ với Qatar.
Ngày 25/7, Saudi Arabia và các nước đồng minh đã thông báo "danh sách đen" gồm các nhóm hoạt động nhân đạo và các cá nhân có mối liên hệ với Yemen, Qatar và Libya, liệt các đối tượng này là phần tử khủng bố do có các quan hệ mờ ám với Hồi giáo cực đoan.
Các nước Arab ra tuyên bố chung, nêu rõ 9 tổ chức từ thiện và 9 cá nhân có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các nhà chức trách Qatar là "khủng bố".
Trong số này, 3 tổ chức ở Yemen và 6 tổ chức có trụ sở tại Libya đã bị cáo buộc có liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và một nhánh của tổ chức này tại Syria.
Ngoài ra, 3 công dân Qatar, 3 người Yemen, 2 người Libya và 1 công dân Kuwait cũng bị coi là khủng bố do liên quan tới hoạt động gây quỹ ủng hộ Jabhat al-Nusra và nhiều phần tử khủng bố ở Syria.
Bốn nước Arab vừa tiếp tục bổ sung 9 tổ chức và 9 cá nhân vào danh sách trừng phạt do liên hệ với Qatar
Trước đó, ngày 24/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã rời Qatar sau chuyến thăm 2 ngày tới Ả Rập Saudi, Kuwait và Qatar để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao UAE Anwar Gargash cho biết, chuyến thăm của ông Erdogan không mang lại kết quả nào và khuyên Ankara nên đứng trung lập.
Kể từ khi 4 nước Ả Rập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ lập tức gửi thêm binh sĩ tới căn cứ quân sự đặt tại nước này như một dấu hiệu ủng hộ. Thỏa thuận ký năm 2014 cho phép Ankara có thể gửi đến 1.000 binh sĩ tới Doha.
Tổng thống Erdogan cũng là chính khách nước ngoài mới nhất tới vùng Vịnh để cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và các bộ trưởng ngoại giao của Pháp, Anh và Đức cũng thực hiện bước đi tương tự trong những tuần gần đây nhằm tháo ngòi căng thẳng tại vùng Vịnh - cuộc khủng hoảng ngoại giao được nhận định là tồi tệ nhất ở khu vực này, kể từ khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh(GCC) được thành lập năm 1981.