Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã bỏ trốn ra nước ngoài trước khi phán quyết chống lại bà trong phiên tòa xét xử về cáo buộc lơ là trách nhiệm được công bố.
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 25/8 đã không xuất hiện tại phiên tòa ra phán quyết vụ kiện chương trình trợ giá gạo quốc gia, gây thất thoát ngân sách.
Tối 25/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwon xác nhận cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã rời nước này và ít có khả năng đang lưu lại các nước láng giềng trong khu vực.
Tướng Prawit cũng cho biết, nhà chức trách Singapore, nơi được cho là điểm dừng chân của bà Yingluck đã thông báo với phía Thái Lan rằng vị cựu Thủ tướng trên đã không nhập cảnh vào nước này.
Trước đó, trang tin Khaosod của Thái Lan chiều 25/8 đăng tải thông tin cho rằng bà Yingluck cùng con trai 15 tuổi đã trốn sang Campuchia từ ngày 23/8 bằng đường bộ. Sau đó, hai người đã lên máy bay sang Singapore rồi tiếp tục bay đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi người anh trai của bà là ông Thaksin Shinawatra được cho là đang tị nạn.
Tuy nhiên, Tướng Nathathorn Prousoontorn, lãnh đạo Cục xuất nhập cảnh Thái Lan ngày 25/8 cho biết, không ghi nhận được bất kỳ dữ liệu nào cho thấy bà đã xuất cảnh. Ông cũng khẳng định chính quyền Bangkok đã ra lệnh cấm xuất cảnh đối với bà Yingluck từ ngày 19/5/2015 đến nay. Dù vậy, ông Nathathorn cũng thừa nhận nếu bà Yingluck sử dụng đường bộ thì Cục xuất nhập cảnh Thái Lan sẽ không tài nào ghi nhận được.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon cũng đã lên tiếng bác bỏ các giả thuyết cho rằng quân đội đã nhúng tay hỗ trợ, hoặc cố tình ngó lơ, để bà Yingluck rời khỏi đất nước. Trả lời báo giới, ông Prawit cho biết các sĩ quan giám sát nhà riêng của bà Yingluck suốt hai ngày qua không thấy bà rời khỏi nhà.
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra
Bộ trưởng Prawit khẳng định, cảnh sát sẽ thực hiện nhiệm vụ truy bắt theo lệnh của tòa án và nếu bà Yingluck trốn được ra nước ngoài thì đó là nhờ sự giúp đỡ của các quan chức có liên quan đến chính quyền cũ, không phải do quân đội.
Được biết, trong phiên tòa xét xử bà Yingluck với cáo buộc thiếu trách nhiệm trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo năm 2011 dù vắng mặt, nhưng một loạt cựu quan chức Thái Lan dưới thời bà Yingluck đã phải lãnh án “đậm”,
Theo đó, cựu Bộ trưởng Thương Mại Thái Lan 42 năm tù về tội làm sai lệch thỏa thuận về gạo với Trung Quốc, gây thiệt hại lớn. Ông này là quan chức dưới thời bà Yingluck lãnh án nặng nhất trong số nhiều bị cáo khác tại phiên xét xử ngày 25/8.
Thẩm phán của Tòa án Tối cao ở Bangkok cho biết, cựu Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom bị kết án 42 năm tù về tội làm sai lệch các thỏa thuận gạo giữa chính phủ Thái Lan và Trung Quốc.
Cấp dưới của ông Boonsong, cựu Thứ trưởng Thương mại Poom Sarapol lãnh án 36 năm với tội danh tương tự.
Cũng tại phiên tòa xét xử liên quan đến thỏa thuận về gạo với Trung Quốc, nhiều cựu lãnh đạo cấp cao dưới thời chính quyền của bà Yingluck cũng bị kết án.
Trong đó, cựu Tổng Giám đốc Cục Ngoại thương Manas Soiploy bị 40 năm tù, Tikhumporn Natvaratat - cấp phó của ông Manas lãnh án 32 năm tù, cựu Giám đốc Phòng Quản lý Thương Mại về Gạo Akharapong Theepwatchara nhận 24 năm tù.
Apichart Chansakulporn, cựu Giám đốc điều hành của nhà xuất khẩu gạo Siam Indica Co Ltd, bị kết án 48 năm tù, đồng thời cùng với công ty phải bồi thường thiệt hại khoản tiền 16,9 tỷ baht cho Bộ Tài chính.
Các bị cáo khác cũng bị phạt tù và bồi thường thiệt hại theo mức độ phạm tội. Ngoài ra, 8 trong số 28 bị cáo tại phiên tòa được tha bổng và hai đối tượng hiện đang bỏ trốn.
Sau phán quyết, các đối tượng trên bị đưa đến nhà tù Bangkok Remand ở quận Chatuchak. Tòa án từ chối mọi hình thức bảo lãnh đối với các tù nhân. Hiện, Tòa án Tối cao Thái Lan đã ban hành lệnh truy nã đối với bà Yingluck.