Sản xuất khẩu trang giả, chế tài xử phạt thế nào?

Ls Ngô Thủy, Phó trưởng VPLS Interla| 07/04/2020 21:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc sản xuất buôn bán khẩu trang giả không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã vi phạm Điều 192 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Hỏi: Hiện nay trong thời điểm dịch bệnh Covid – 19  đang hoành hành, số lượng khẩu trang cần tiêu thụ là rất lớn, vì vậy một bộ phận các đối tượng đã làm giả các loại khẩu trang để đem bán trên thị trường. Vậy thì đối với các trường hợp làm giả, buôn bán khẩu trang này, pháp luật có chế tài xử lí như thế nào?

Trả lời:

Trước tình hình dịch bệnh Covid – 19   đang diễn biến phức tạp  thì  một số bộ phận các đối tượng, cơ sở kinh doanh đã sản xuất số lượng lớn mặt hàng khẩu trang giả và buôn bán lợi dụng trục lợi để kiếm tiền, khiến người dân không khỏi hoang mang bởi việc sử dụng khẩu trang giả sẽ có ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe người tiêu dùng do chất lượng của mặt hàng này không đúng tiêu chuẩn. Theo đó, có thể nguồn nguyên liệu làm khẩu trang đang thiếu nên một số đối tượng sẵn sàng cho lớp vải bình thường vào để may khẩu trang y tế.

Cụ thể, đối với khẩu trang 4 lớp thì chỉ cho 3 lớp, hoặc không có tác dụng khử khuẩn, hoặc nhuộm vải đen làm khẩu trang than hoạt tính. Hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang giả không rõ nguồn gốc  không chỉ là lợi dụng hoàn cảnh để chuộc lợi cho bản thân mà đây còn là hành vi coi thường sức khỏe người khác, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, việc sản xuất buôn bán khẩu trang giả không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã vi phạm Điều 192 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội sản xuất, buôn bán hàn giả. Cụ thể

Đối với cá nhân:

“ 1. Người nào sản xuất, buôn bán khẩu trang giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đng;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Làm chết người;

h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

l) Buôn bán qua biên giới;

m) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 Đối với đối tượng là pháp nhân:

“5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b)Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất khẩu trang giả, chế tài xử phạt thế nào?