Yếu tố quan trọng nhất của người chọn SGK vẫn là sự công tâm, mục tiêu hướng tới

Đức Duy| 13/12/2021 11:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều bộ sách giáo khoa giúp cho cơ hội lựa chọn của giáo viên cũng như học sinh đa dạng hơn. Đồng thời, tạo cơ hội mở để giáo viên có thể chọn được bộ sách phù hợp nhất và thiết kế được bài giảng tốt nhất cho học sinh.

Giáo viên chọn sách sẽ nắm được học liệu mà học sinh tiếp nhận

Là một trong những giáo viên nòng cốt của huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn cô Hoàng Thị Yêu Qúy – giáo viên Trường TH xã Đình Lập chia sẻ: “Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới thì ưu tiên phát triển toàn diện học sinh. Đặc biệt chương trình này mới này một chương trình nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa để học sinh lựa chọn để cho thấy được sự đổi mới mạnh mẽ.

hoc-sinh.jpg
Ngữ liệu của bộ sách là quan trọng nhưng cách tổ chức khai thác ngữ liệu quan trong hơn nhiều. Ảnh HN.

Trước đây chỉ có duy nhất một bộ sách, nhưng hiện nay các trường có thể lựa 1 trong nhiều bộ sách có trên thị trường để giảng dạy, để làm sao cho phù hợp với học sinh của mình".

Cô Qúy cũng nói thêm, khi giáo viên được chọn sách họ đã định hình được phương pháp dạy học cho học sinh của mình. Đồng khi có nhiều bộ sách, trong quá dạy học giáo viên, học sinh có thêm học liệu để tham khảo.

Đặc biệt, nếu thấy bộ nào hạn chế hoặc có nhiều sạn giáo viên cũng có thể chủ động lựa chọn bộ khác sao cho phù hợp. Ngữ liệu của bộ sách là quan trọng nhưng cách tổ chức khai thác ngữ liệu quan trong hơn nhiều. Bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cách truyền tải cũng như tiếp nhận bài giảng của học sinh.

Dẫu Bộ GDĐT đã giao về các địa phương quyền được lựa chọn sách giáo khoa, tuy nhiên việc lựa chọn sách giáo khoa ở các địa phương cũng gặp một số hạn chế.

Theo chia sẻ của một nữ giáo viên ở Hà Nội cho hay: “Hiện nay có nhiều ý kiến của giáo viên về việc lựa chọn bộ sách giáo khoa, tuy nhiên khi gửi về hội đồng vẫn bị bác bỏ bởi các thành viên của hội đồng. Nhiều khi giáo viên cũng chạnh lòng”.

Theo vị giáo viên này, để đưa ra lựa chọn cho một bộ sách, buộc giáo viên phải nghiên cứu, tìm hiểu đánh giá năng lực của học sinh để chọn được bộ sách tốt.

Có thể học liệu của bộ sách này phù hợp với học sinh trường này, nhưng có thể học liệu của bộ sách khác mới phù học với học sinh trường tôi chẳng hạn. Nếu hội đồng mà bác bỏ công sức của các thầy cô vì lý do như: chỉ một vài trường chọn bộ sách này chẳng hạn thì vô hình trung công sức chúng tôi vô ích.

Bộ GDĐT đã có thông tư 25 quy định việc Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa theo phân tích có quyền hạn như thế nào. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục thông tư này có kẻ hỡ có thể lợi dụng để chuộc lợi.

Tuy nhiên theo ý kiến của vị giáo viên này: “Thông tư nào cũng sẽ có kẽ hở, tuy nhiên tất cả đều xuất phát từ mục tiêu, tâm huyết của người lựa chọn đưa ra. Nếu họ đặt mục tiêu chất lượng, mục tiêu giáo dục lên hàng đầu thì tôi vẫn tin sẽ chọn được những bộ sách tốt cho địa phương mình giảng dạy.

Góc nhìn của luật sư về thông tư 25

Trước những lo lắng của nhiều người về kẽ hở ở thông tư 25 về Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, báo Công lý đã có cuộc trao đổi với LS Lê Công Minh –Giám đốc Công ty Luật TNHH Legal Solutions DFC phần tích: Bất cập đầu tiên đó chính là sự mẫu thuẫn giữa các quy định trong Thông tư. Tại Điều 8 của Thông tư quy định về quy trình lựa chọn SGK và được cụ thể hoá thành các khoản.

Theo đó, tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 quy định rằng SGK sẽ do cơ sở GDPT đề xuất lựa chọn, được thực hiện bởi tổ chuyên môn là các giáo viên của cơ sở GDPT.

hoc-sinh-2.jpg
Ảnh minh họa. HN.

Ngoài ra, còn có người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia thảo luận, đánh giá các SGK, lựa chọn 01 SGK cho mỗi môn học.

Tiếp đến, Phòng GDĐT tổng hợp, báo cáo cho Sở GDĐT danh mục SGK được các cơ sở GDPTđề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự SGK có số cơ sở GDPT đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.

Có thể thấy, để cho ra một đề xuất phù hợp với tiêu chí lựa chọn SGK là sự đóng góp, làm viêc của cả một tập thể nhưng đến khoản 4 việc lựa chọn SGK lại được quyết định bởi các thành viên trong Hội đồng lựa chọn SGK và tại khoản này lại không có bất cứ quy định nào cho thấy ý kiến của cơ sở GDPT có ý nghĩa như thế nào trong việc Hội đồng đưa ra quyết định. Như vậy, một quy trình lựa chọn SGK hết sức công phu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 lại bị bác bỏ bởi khoản 4.

Bộ GDĐT trao toàn quyền quyết định lựa chọn SGK cho Hội đồng là kẽ hở cho việc thiếu minh bạch, khách quan trong việc lựa chọn SGK. Kẽ hở này rất dễ bị lợi dụng, phục vụ cho lợi ích nhóm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của giáo viên và học sinh.

Bởi lẽ, các thành viên trong Hội đồng lựa chọn SGK không bị ràng buộc bởi bất cứ trách nhiệm nào do cơ chế bỏ phiếu kín và thành viên trong Hội đồng là do Sở GDĐT tham mưu để UBND chọn nhưng hội đồng có nhiều người là tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu, giáo viên…

Điều này sẽ đi ngược lại với 02 tiêu chí lựa chọn SGK mà Bộ GDĐT đã đặt ra ban đầu đó là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy, học tại cơ sở GDPT được quy định tại Điều 3 của Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT.

Việc đưa ra quyết định bỏ phiếu lựa chọn SGK nào của các thành viên trong Hội đồng chỉ phản ánh ý kiến của một nhóm nhỏ chứ không phải của tất cả. Ý kiến này có thể xuất phát từ những nhận định chủ quan hoặc chỉ là sự lựa “an toàn” vì nếu toàn tỉnh sử dụng một bộ SGK thì thuận lợi hơn cho cơ quan chỉ đạo và khi tình trạng lựa chọn SGK thiếu khách quan này kéo dài có khả năng dẫn đến khai trừ chủ trương “một chương trình - nhiều SGK”.

Do đó, Thông tư 25/2020/ TT-BGDĐT cần phải sớm được sửa đổi theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn SGK cấp cơ sở, bởi họ là những người hiểu nội dung, hiểu phương pháp, biết được bộ SGK nào phù hợp với điều kiện dạy, học của nhà trường tại địa phương và cần quy định ý kiến của cấp cơ sở là tiêu chí hàng đầu trong việc lựa chọn SGK.

Còn Hội đồng lựa chọn SGK chỉ tiến hành kiểm tra xác nhận rằng SGK do cơ sở GDPT lựa chọn đã được Bộ GDĐT phê duyệt cho sử dụng trong cơ sở GDPT tại địa phương.

Ngoài ra, Thông tư này cũng chưa quy định rõ ràng về phạm vi và thời hạn sau khi có quyết định lựa chọn SGK. Trên thực tế, đối với từng môn, từng khối lớp, mỗi bộ SGK sẽ có những điểm mạnh riêng. Vì thế, việc lựa chọn SGK có thể được thay đổi theo từng năm để phù hợp, với các em học sinh, với điều kiện dạy, học trên địa bàn nhưng chính điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu tính hệ thống, tính nhất quán giữa các bộ SGK.

Còn nếu bắt buộc năm sau phải chọn đúng SGK như năm trước thì chỉ cần chọn 1 bộ sách cho lớp 1, rồi dùng cho các năm sau. Như thế quy định về quy trình lựa chọn SGK, Hội đồng lựa chọn SGK sẽ không cần nữa và việc lựa chọn SGK sẽ thiếu tính linh hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yếu tố quan trọng nhất của người chọn SGK vẫn là sự công tâm, mục tiêu hướng tới