Vụ án kinh doanh thương mại giữa ông Vũ Hải Phong và Công ty cổ phần cung ứng và xuất nhập khẩu lao động Hàng không (ALSIMEXCO) đã được xét xử phúc thẩm, tuy nhiên bị đơn khiếu nại, yêu cầu xem xét lại bản án. Yêu cầu của họ có căn cứ.
Hợp tác thành tranh chấp
Ngày 21/12/2009, Công ty cổ phần cung ứng và xuất nhập khẩu lao động Hàng không (Công ty Hàng không) ký hợp đồng cung ứng lao động với Công ty Global Horizons Canada (Công ty Global). Sau đó, Công ty Hàng không mời gọi các nhà đầu tư tài chính trong nước góp vốn để thực hiện hợp đồng cung ứng lao động nói trên.
Ngày 10/8/2010, ông Vũ Hải Phong ký Hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính số 01/2010/HTĐTTC với Công ty Hàng không, để khai thác hợp đồng Công ty Hàng không đã ký kết với Công ty Global. Nội dung hợp đồng là ông Phong tự nguyện đầu tư 300.000 USD với Công ty Hàng không để đặt cọc, bảo lãnh hợp đồng đã ký với Công ty Global. Số tiền ông Phong đầu tư đã chuyển cho Công ty Global vào ngày 18/8/2010.
Trong thời gian thực hiện hợp đồng cung ứng lao động, giám đốc Công ty Global vi phạm pháp luật Mỹ dẫn đến hậu quả là hợp đồng cung ứng lao đồng ký kết với Công ty Hàng không chưa thực hiện được. Công ty Hàng không đã khởi kiện Công ty Global yêu cầu Tòa án Canada giải quyết. Kết quả là Tòa án có thẩm quyền tại Canada đã quyết định buộc Công ty Global phải trả lại Công ty Hàng không số tiền 300.000 USD đã đặt cọc. Công ty Hàng không đang yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ở Canada giải quyết việc thi hành bản án để sớm nhận lại được tiền. Do đó, Công ty Hàng không chưa thanh toán hợp đồng hợp tác với ông Phong.
Ông Phong khởi kiện. Sau khi bản án sơ thẩm có kháng cáo, Tòa án Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. HĐXX nhận định Hợp đồng cung ứng lao động giữa Công ty Hàng không và Công ty Global là hợp đồng vô hiệu. Do đó, HĐXX phán quyết Công ty Hàng không phải hoàn trả cho ông Phong 5,73 tỷ đồng, tương ứng với 300.000USD mà ông Phong đã đầu tư.
Phán quyết này được hiểu là Hợp đồng cung ứng lao động giữa Công ty Hàng không và Công ty Global vô hiệu do lỗi của Công ty Hàng không nên Công ty này phải chịu lỗi 100%, còn ông Phong không phải chịu lỗi nên được nhận lại 100% số tiền đầu tư.
Hợp đồng đầu tư nhằm mục đích kinh doanh
Nghiên cứu các khiếu nại của Công ty Hàng không và văn bản pháp luật liên quan đến vụ án, chúng tôi có một số ý kiến về việc giải quyết vụ án cần được xem xét.
Công ty ALSIMEXCO thường xuyên tuyển tiếp viên hàng không thời vụ phục vụ Vietnam Airlnes
Thứ nhất, nội dung Hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính số 01/2010/HTĐTTC giữa Công ty Hàng không (bên A) và ông Vũ Hải Phong (bên B), tại Điều 1 có nội dung: “Sau khi tìm hiểu đơn hàng, bên B đồng ý và bằng nguồn tài chính hợp pháp của mình đầu tư với bên A để đặt cọc bảo lãnh hợp đồng cho đối tác nước ngoài với số tiền là USD 300.000 (ba trăm ngàn đô la Mỹ) cho đơn hàng tuyển dụng 200 lao động Việt Nam đi làm việc tại Israel theo Hợp đồng cung ứng lao động số 01/ALS-GLOB/2009 ký kết giữa Công ty Alsimexco và Global Horizons Canada”.
Tại điểm 2.2 trong Điều 2 của Hợp đồng có thỏa thuận về quyền của bên B là: “Được nhận khoản phí đầu tư tài chính giữa hai bên từ hoạt động cung ứng lao động theo Hợp đồng số 01/ALS-GLOB/2009 là 1000 USD/01 lao động xuất cảnh”…
Như vậy, các nội dung trích dẫn trên đây cho thấy đây là Hợp đồng đầu tư nhằm mục đích kinh doanh.
Thứ hai, địa vị của ông Phong khi ký kết hợp đồng với Công ty Hàng không là Nhà đầu tư tài chính.
Thứ ba, xem xét pháp luật có liên quan ta thấy Hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính giữa Công ty Hàng không và ông Phong thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư. Luật này được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006. Ngay Điều 1 đã qui định: “Luật này qui định về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư…”.
Tại Điều 16 Luật Đầu tư qui định về quyền mua ngoại tệ như sau: “Nhà đầu tư được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được quyền kinh doanh ngoại tệ để đáp ứng cho giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác theo qui định của pháp luật về quản lý ngoại hối”.
Về nghĩa vụ của Nhà đầu tư, khoản 1 Điều 20 qui định: “Tuân thủ qui định của pháp luật về thủ tục đầu tư, thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung ký đầu tư, nội dung qui định tại Giấy chứng nhận đầu tư. Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung đăng ký đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư và tính hợp pháp của các văn bản xác nhận”.
Áp dụng pháp luật?
Đây là vụ án kinh doanh thương mại có liên quan đến Luật Đầu tư, nhưng khi giải quyết vụ án HĐXX đã không căn cứ vào Luật Đầu tư để áp dụng giải quyết. Như đã phân tích, nội dung tranh chấp là hợp đồng đầu tư tài chính nhưng không áp dụng Luật Đầu tư dẫn đến nhiều nội dung chưa được làm rõ. Ví dụ, ông Vũ Hải Phong là Nhà đầu tư có Giấy chứng nhận đầu tư theo qui định tại khoản 1 Điều 20 Luật Đầu tư hay không? Ông Phong đầu tư tài chính có thực hiện đúng qui định của pháp luật về đầu tư hay không? Trường hợp ông Phong không thực hiện đúng các qui định của Luật Đầu tư thì ông Phong có phải chịu hậu quả về việc không tuân thủ pháp luật về đầu tư hay không? Nếu phải chịu trách nhiệm thì mức độ đến đâu…
Do nhiều nội dung của vụ án chưa được làm rõ và áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án không đúng nên bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, khiến Công ty Hàng không phải khiếu nại là có căn cứ. Chúng tôi mong rằng người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng chấp nhận khiếu nại để giải quyết lại vụ án theo đúng qui định của pháp luật.