Ý thức thôi, chưa đủ

Trung Nguyễn| 31/03/2017 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự cố môi trường Formosa một lần nữa được nhắc đến trong một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Câu hỏi được đưa ra với các doanh nghiệp: Sự cố môi trường Formosa tác động như thế nào đến doanh nghiệp trong vấn đề chấp hành pháp luật về môi trường?

Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 87% doanh nghiệp trong và ngoài nước tự cho rằng họ ít nhiều biết tới các quy định môi trường áp dụng đối với doanh nghiệp. Về mức độ tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, có đến 38% các doanh nghiệp FDI và 44% các doanh nghiệp trong nước thừa nhận, họ chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường. Đặc biệt, hơn 1/2 trong số đó  cho biết họ chỉ tuân thủ một phần hoặc thậm chí không tuân thủ.

Ý thức thôi, chưa đủ

Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại tỉnh và các doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: VCCI

Câu hỏi đặt ra là vì sao doanh nghiệp không tuân thủ mặc dù các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường đều có chế tài xử phạt. Kết quả trả lời khảo sát cho thấy, bên cạnh lý do quy mô doanh nghiệp “quá nhỏ” để có thể tác động đến môi trường thì còn do quy định bảo vệ môi trường rườm rà và chi phí tuân thủ quá cao.

Tuy nhiên, dường như có sự mâu thuẫn giữa câu trả lời của doanh nghiệp và thực tế khi có không ít doanh  nghiệp sử dụng 1.000 lao động nhưng vẫn tự xếp vào loại “quá nhỏ”. Hơn nữa, trong khi các cơ quan quản lý và các tổ chức bảo vệ môi trường khẳng định, chế tài xử phạt thấp chưa đủ tính răn đe, thì doanh nghiệp lại “đổ lỗi” cho chi phí tuân thủ quá cao.

Mặc dù vậy, sự cố môi trường Formosa cũng đã tác động nhất định đến cộng đồng doanh nghiệp. Khoảng 94% doanh nghiệp được hỏi đều tin rằng, vụ việc sẽ tạo động lực cho họ đầu tư nhiều hơn nữa cho việc tuân thủ các quy định về môi trường; đồng thời có đến 91% doanh nghiệp đề xuất, chính quyền cấp tỉnh cũng cần có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Lâu nay chúng ta vẫn hay nói đến ý thức của doanh nghiệp trong tuân thủ pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, ý thức lại là một vấn đề hết sức trừu tượng, mang tính chủ quan. Từ khảo sát trên cho thấy, việc chấp hành pháp luật môi trường của doanh nghiệp chủ yếu vẫn do vấn đề sinh tồn của chính doanh nghiệp (do bị thanh tra, xử phạt) chứ chưa phải vì môi trường xanh. Và để doanh nghiệp chấp hành pháp luật mà chỉ trông chờ vào ý thức là chưa đủ mà vẫn phải có chế tài đủ mạnh.

Những con số trên cũng thấy, doanh nghiệp vẫn đang rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, chỉ quan tâm đến môi trường khi bị kiểm tra, nhắc nhở,  trong khi đó bản chất của bảo vệ môi trường chính là ngăn ngừa sự cố với một chuỗi các quy định đánh giá tác động. Bên cạnh đó là xu hướng đổ lỗi cho khách quan, cho quy định của pháp luật.

Giải pháp cho thực trạng này sẽ không phải là một biện pháp riêng lẻ. Đó phải là sự triển khai đồng bộ của việc nâng cao ý thức của doanh nghiệp, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; siết chặt các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là trong quá trình cấp phép, đánh giá tác động môi trường; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý thức thôi, chưa đủ