Dự thảo BLTTDS đưa ra lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 này có 10 Phần, 43 Chương với 491 Điều luật, có nhiều bổ sung mới.
Tuy nhiên cũng có những bổ sung mới cần được nghiên cứu hết sức thận trọng để pháp luật đi vào đời sống xã hội và phù hợp với Hiến pháp. Ví dụ Khoản 2 Điều 4 Dự thảo BLTTDS có quy định là: “Tòa án không được từ chối yêu cầu cần giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.
Dự thảo này chúng tôi nhận thấy: một số nước trên thế giới cũng có quy định như quy định tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo BLTTDS của nước ta đang lấy ý kiến của nhiều ngành, nhiều cấp. Những nước có quy định này là những nước theo hệ thống án lệ và ở nước đó án lệ là nguồn pháp luật và Tòa án là cơ quan có quyền giải thích pháp luật.
Về quy định tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo BLTTDS, chúng tôi thấy rằng Dự thảo BLTTDS không nên quy định tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo BLTTDS vì các lý do sau:
Lý do 1: Không phù hợp Hiến pháp nước ta.
Điều 46 của Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 có quy định như sau: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật…” Khoản 2 Điều 103 của Hiến pháp hiện hành quy định như sau: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật…”.
Theo quy định tại Điều 46 và Điều 103 của Hiến pháp hiện hành mà chúng tôi trích dẫn ở trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy Hiến pháp quy định cơ quan, tổ chức và công dân có nghĩa vụ tuân theo HIến pháp và pháp luật.
Pháp luật là gì? Theo Từ điển Luật học thì pháp luật là: “Hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư trong xã hội” (Trang số 606, Từ điển Luật học của Nxb Từ điển Khoa học - Bộ Tư pháp, xuất bản năm 2006)
Lý do 2: Không phù hợp với xã hội Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam gần như thuộc lòng câu nói: “Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Từ thập niên 90 của thế kỷ trước Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật bao gồm Bộ luật, Luật, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Pháp lệnh… trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong các luật (không phải BLHS, BLDS và các Bộ luật tố tụng) đều có điều luật quy định về hình thức giải quyết tranh chấp là: Thương lượng, hòa giải, hoặc Tòa án. Ví dụ Điều 317 Luật Thương mại năm 2005 quy định hình thức giải quyết tranh chấp có: Thương lượng giữa các bên. Hòa giải giữa các bên; Giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.
Một phiên tòa dân sự
Thương lượng, hòa giải để giải quyết tranh chấp cũng là nét văn hóa đẹp trong xã hội Việt Nam và giải quyết các vụ việc đã có quy định trong pháp luật và các vụ việc pháp luật chưa quy định góp phần đáng kể vào việc đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Do đó, những tranh chấp mà chưa có quy định của pháp luật thì chính quyền cấp xã đoàn thể, tổ chức giải quyết bằng hình thức hòa giải, thương lượng theo thông lệ của xã hội Việt Nam.
Lý do 3: Dễ gây rối bận cho Tòa án.
Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo BLTTDS được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì quy định tại khoản 2 Điều 4 của BLTTDS sẽ gây rối bận cho Tòa án. Ví dụ: Anh A khởi kiện đối với UBND cấp xã nơi anh A cư trú với lý do là UBND không cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giữa anh A với anh H (người cùng giới nam) và yêu cầu Tòa án giải quyết buộc UBND cấp xã nơi anh A cư trú phải giải quyết cho anh A được kết hôn với anh H.
Việc kết hôn giữa người đồng giới tính với nhau không được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành. Đây là điều mà pháp luật nước ta chưa quy định và theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của BLTTDS thì Tòa án phải thụ lý vụ việc dân sự này để giải quyết. Trường hợp này Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A, chắc chắn rằng anh A sẽ yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết, cũng không loại trừ trường hợp anh A yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự của anh theo thủ tục giám đốc thẩm.
Nếu không có quy định tại khoản 2 Điều 4 trong BLTTDS thì các cấp Tòa án không phải đầu tư thời gian, công sức vật chất vào việc đó. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không tốn công sức để đọc đơn khiếu nại của anh A.
Lý do 4: Mâu thuẫn với quy định khác trong Dự thảo BLTTDS. Quy định tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo BLTTDS mâu thuẫn với quy định khác trong Dự thảo BLTTDS. Cụ thể là:
Mâu thuẫn với quy định tại Điều 12 của Dự thảo BLTTDS. Vì trong Điều 12 của Dự thảo BLTTDS có quy định là: “Khi xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Mâu thuẫn với khoản 1 Điều 4 của Dự thảo BLTTDS. Vì tại khoản 1 Điều 4 của Dự thảo BLTTDS có quy định là: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”. Quy định này là quy định yêu cầu Tòa án bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, còn các quyền và lợi ích không hợp pháp Tòa án không có trách nhiệm bảo vệ.
Ý kiến tham gia vào Dự thảo BLTTDS chúng tôi trình bày ở trên rất mong được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cân nhắc và chấp nhận.