Xung quanh vấn đề giảm hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự

Bình Nguyên| 26/05/2015 21:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nên hay không mở rộng nguồn BLHS; trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân hay việc giảm án tử hình… là những vấn đề được các ĐBQH quan tâm thảo luận tại tổ chiều nay 26/5.

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Qua thảo luận, các ĐB cơ bản đồng tình với các quan điểm sửa đổi Bộ luật Hình sự hiện hành. Đây là dự thảo vừa đáp ứng được yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, vừa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế thị trường, với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân và quan điểm của Đảng trong cải cách tư pháp.

Dẫn ra trong thời gian qua, một loạt những vụ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến người dân như Vụ Vedan (Đồng Nai); Vụ Nicotex Thanh Thái ở Thanh Hóa, ĐB Trần Văn Độ cho biết, hiện nay có 120 quốc gia đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Theo ĐB Trần Văn Độ, có ý kiến cho rằng đã có Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử lý, nhưng xử phạt hành chính có giải quyết được vấn đề hay không là vấn đề mà chúng ta cần bàn đến. Xử lý hành chính chỉ là một góc nhỏ thôi, xử lý hình sự thì góc lớn hơn, bảo đảm quyền lợi cho xã hội, của người bị hại. Nếu truy cứu hình sự cá nhân thì chỉ cá nhân đền bù còn thể nhân không chịu bồi thường. Vì có những vụ hàng nghìn tỷ thì cá nhân nào đền bù được?

Nhưng nếu xử lý hình sự thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm chứng minh thiệt hại, người dân yên tâm… Nhà nước xác minh và căn cứ vào đó mà bồi thường. Nếu xử theo hành chính và dân sự thì người dân phải tự mình chứng minh thiệt hại. Nhưng những vụ lớn như Vedan chẳng hạn, người dân làm sao chứng minh được thiệt hại? “Cả các Bộ vào cuộc còn không chứng minh được thì người dân sao mà chứng minh, rồi cá nhân khởi kiện phải đóng hàng trăm triệu án phí dân lấy tiền đâu mà đóng, đành buông xuôi thì sự việc lại đâu vào đấy”- ĐB Trần Văn Độ phát biểu.

Xung quanh vấn đề giảm hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự

ĐB Trần Văn Độ phát biểu

ĐB Đinh Xuân Thảo cũng đồng tình và cho rằng, đây không phải vấn đề mới mà đã được ghi nhận trong pháp luật một số nước. Hiện nay đa số các nước có quy định này, ASEAN có 5 nước. Trong nghị quyết của Đảng cũng quy định trách nhiệm pháp nhân, nên việc đưa vào BLHS quy định này sẽ có tính răn đe, phòng ngừa cao hơn. Ở nước ta khi xây dựng BLHS 1999 cũng đã bàn về vấn đề này nên hiện nay cần nghiên cứu bổ sung là cần thiết.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS.

Hạn chế hình phạt tử hình

Một nội dung nữa được các ĐB quan tâm là giảm hình phạt tử hình trong BLHS. Dự thảo BLHS (sửa đổi) đề xuất, bỏ 7/22 tội danh tử hình. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Lê Minh Thông cũng đồng tình và cho rằng như vậy là đúng với tinh thần nhân đạo, hội nhập quốc tế. Nhưng đối với tội phạm chiến tranh, chống hòa bình, nếu không giữ án tử hình thì trong điều kiện phức tạp như hiện nay sẽ không yên tâm, dù có thể sẽ không truy cứu hình sự ai. Hay với tội tham nhũng cũng vậy, dự thảo nêu nếu khắc phục cơ bản hậu quả thì có thể chuyển từ tử hình xuống chung thân. “Tôi ủng hộ nếu tội tham nhũng tự nguyện bồi hoàn, khắc phục hậu quả thì có thể chuyển từ tử hình sang chung thân, nhưng mức độ nào,  gọi là khắc phục được, nếu không sẽ tùy tiện, khó vận dụng”.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đồng tình vì như vậy sẽ đề cao quyền con người, xử lý nhân đạo, nhân văn hơn. Tội tàng trữ, vận chuyển ma túy chưa nên đưa ra, khi xử lý chưa phân biệt tạo ra sự không công bằng, thực tế chưa làm rõ mua bán với tàng trữ, vận chuyển.

Nhưng tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, dược phẩm: chỉ tử hình đối với người có vai trò quan trọng là chưa hợp lý vì thuốc giả ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người nên cần tách thành 2 tội: tội sản xuất thuốc giả thì phải tử hình đối với người tổ chức quy mô lớn; còn với lương thực, thực phẩm thì có thể bỏ tử hình.

Còn ĐB Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, chúng ta không nên bỏ án tử hình bằng mọi giá để đáp ứng yêu cầu của thế giới, mà phải dựa trên điều kiện thực tế hiện nay. Ngay cả Mỹ, là nước hiện đại cũng không bỏ tử hình, nên quan điểm chung là phải rà soát lại cho phù hợp. ĐB Nguyễn Đình Quyền cũng không đồng tình với việc hạn chế hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên, vì hiện nay tuổi thọ trung bình đã được nâng cao. Nhiều đối tượng tầm tuổi này vẫn còn phạm tội rất kinh khủng, với tâm lý “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Xung quanh đề xuất bỏ án tử hình đội với tội tham nhũng, ĐB Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội tham nhũng là không công bằng. “Thực tế tôi đã thấy có chuyện án từ tử hình xuống 20 năm, rồi từ 20 năm xuống 18 năm. Điều này là có thật! Thế nên, trong tội phạm tham nhũng vẫn để hình phạt tử hình để có tính răn đe. Người nghèo không có điều kiện, buộc đi buôn ma tuý để sinh sống vẫn phải chịu án tử hình. Còn người có chức vụ, kiến thức mà tham ô tham nhũng số tiền lớn mà lại không áp dụng án tử hình là không công bằng. Do đó, tôi kiến nghị vẫn giữ nguyên mức án tử hình đối với tội phạm tham nhũng” - ông Chung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung quanh vấn đề giảm hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự