Đời sống

Xúc phạm trên mạng ảo, coi chừng đi tù thật

Văn Vũ 10/04/2024 - 15:28

Mạng xã hội (MXH) đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, không ít cá nhân lợi dụng MXH để đăng thông tin sai sự thật hoặc có ứng xử thiếu văn hóa...

Cần loại bỏ những tồn tại…

Vừa qua, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên bản án phúc thẩm giảm nhẹ một phần hình phạt cho Nguyễn Phương Hằng từ 3 năm tù xuống còn 2 năm 9 tháng tù. 4 bị cáo trong vụ án, giảm cho Đặng Anh Quân từ 2 năm 6 tháng tù xuống còn 2 năm tù; các bị cáo Huỳnh Công Tân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà từ 1 năm 6 tháng xuống còn 1 năm tù.

Theo HĐXX phúc thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" là có cơ sở, không oan. Hành vi của các bị cáo ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Đây là một trong những vụ án điển hình về việc “sống ảo nhưng đi tù thật”. Nó như hồi chuông gióng lên cảnh tỉnh mọi người về chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội (MXH).

Thế nhưng, những ngày qua, dư luận xôn xao khi tài khoản “THANG DANG” trên Facebook đưa thông tin ông D.C.M., Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Thương Tín (Sacombank) bị cấm xuất cảnh.

Sacombank đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng thông báo đây là thông tin bịa đặt và vu khống nhằm bôi xấu lãnh đạo Sacombank. Thông tin không đúng sự thật này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cá nhân ông D.C.M. cũng như hoạt động của Sacombank.

Việc tài khoản “THANG DANG” trên Facebook đăng bài viết không đúng sự thật đã được Bộ Công an kịp thời ra thông báo, theo đó thông tin cấm xuất cảnh đối với ông D.C.M. là không đúng sự thật.

Tuy sự thật đã rõ nhưng hậu quả để lại không nhỏ, giá cổ phiếu của Sacombank giảm mạnh. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

bi-phat-5-trieu-dong-vi-binh-luan-chia-re-doan-ket-dan-toc-tren-mxh-anh-bao-cong-ly.jpg
Bị phạt 5 triệu đồng vì bình luận chia rẻ đoàn kết dân tộc trên MXH - ảnh Báo Công lý

Phát huy thế mạnh của không gian mạng

Thực tế hiện nay, MXH mang lại nhiều lợi ích tích cực cho cuộc sống hàng ngày. Là kênh thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đến với Nhân dân một cách nhanh chóng, chính xác; thông qua ứng dụng Zalo, cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được dễ dàng, thuận lợi hơn.

Người sử dụng MXH có thể gọi video ổn định, livestream, chat nhóm tiện ích, nhắn tin, gửi ảnh nhanh chóng, xem nhật ký bạn bè, đăng tin, bài, hình ảnh. Đây là phương tiện để mỗi người dân có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sống, nêu gương người tốt, việc tốt để mọi người học tập và làm theo; hoặc phản ánh những tiêu cực, bất hợp lý, những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân để cơ quan chức năng của Nhà nước xử lý theo quy định pháp luật.

can-chu-trong-trong-tuyen-truyen-giao-duc-gioi-tre-ve-van-hoa-su-dung-mxh-anh-thuy-nga.jpg
Cần chú trong trọng tuyên truyền, giao dục giới trẻ về văn hóa sử dụng MXH

Thông qua MXH, các tổ chức, cá nhân có thể chia sẻ, cập nhật tin tức, trao đổi thông tin, tìm kiếm việc làm, giải quyết công việc hàng ngày, giao lưu, kết nối bạn bè, gia đình, cộng đồng, mở rộng quan hệ, hội nhập quốc tế. Đối với doanh nghiệp, có thể quảng cáo, đăng tin tuyển dụng miễn phí, kinh doanh tiết kiệm chi phí, thời gian, sức lao động và thân thiện với môi trường.

Có thể nói, MXH cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số. Là phương tiện giúp cho mọi người dân trao đổi, chia sẻ thông tin trực tuyến…

Theo Báo cáo toàn cảnh Digital Vietnam vào tháng 2/2024, hơn 79% dân số Việt Nam hiện được kết nối internet. Và khoảng 73,3% dân số hoạt động tích cực nền tảng truyền thông xã hội, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều năm qua, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có lượng người dùng MXH cao nhất thế giới.

Theo nhiều chuyên gia, môi trường mạng là không gian ảo nhưng phát ngôn trên không gian mạng không hề ảo, bởi đằng sau đó là những con người thật. Trước đây, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8/2022, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh, việc lên mạng xã hội không phải là vô danh, phải định danh để các phát ngôn có trách nhiệm hơn.

Hiện nay, liên quan đến chuẩn mực phát ngôn trên MXH, hàng loạt các văn bản quy pháp luật đã được ban hành để điều chỉnh.

Thực tế, những năm gần đây, các nền tảng MXH đã trở thành phương tiện truyền thông, tương tác, giải trí không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bên cạnh mặt tích cực không thể phủ nhận, MXH cũng đem lại nhiều hệ lụy, đó là sự xuất hiện những hành vi nói xấu, bôi nhọ, tin giả tràn lan gây tổn hại nghiêm trọng uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây tổn hại về kinh tế, thương hiệu, gây phức tạp an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Do vậy, vấn đề tuyên truyền giáo dục pháp luật về không gian mạng là rất quan trọng, lâu dài và liên tục. Song song đó, cần có biện pháp răn đe những trường hợp lợi dụng MXH để gây tổn hại đến cá nhân, tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xúc phạm trên mạng ảo, coi chừng đi tù thật