Tính đến ngày 14/8/2015, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã lựa chọn được 47 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia thí điểm cung ứng lao động khán hộ công và 14 doanh nghiệp cung ứng lao động thuyền viên tàu cá gần bờ sang Đài Loan làm việc.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, triển khai thực hiện Công văn số 2176/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 9/6/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn triển khai đưa lao động sang Đài Loan làm việc, trong thời gian vừa qua Cục đã tổ chức tiếp nhận, xử lý hồ sơ của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đề nghị được giới thiệu để phía Đài Loan cho phép hoạt động dịch vụ đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan và các doanh nghiệp đăng ký tham gia thí điểm cung ứng lao động khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ sang Đài Loan làm việc.
Tính đến ngày 14/8/2015, Cục quản lý lao động ngoài nước đã giới thiệu 47 doanh nghiệp để phía Đài Loan cho phép hoạt động dịch vụ đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan; thông báo 47 doanh nghiệp đủ điều kiện được tham gia thí điểm cung ứng lao động khán hộ công gia đình và 14 doanh nghiệp đủ điều kiện được tham gia thí điểm cung ứng lao động thuyền viên tàu cá gần bờ sang Đài Loan làm việc.
Hiện nay, Cục Quản lý lao động vẫn đang tiếp tục tiếp nhận và xử lý các hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị được giới thiệu để phía Đài Loan cho phép hoạt động dịch vụ đưa lao động sang Đài Loan và các doanh nghiệp đủ điều kiện, đề nghị tham gia thí điểm cung ứng lao động khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ sang Đài Loan làm việc.
Dạy nghề cho lao động Việt Nam chuẩn bị sang Đài Loan làm việc (Ảnh: Dansinh)
Từ năm 1999, Việt Nam đã bắt đầu đưa lao động sang Đài Loan làm việc, 80% trong số đó là giúp việc gia đình. Năm 2005, do tỷ lệ lao động Việt Nam sang Đài Loan bỏ trốn nhiều nên thị trường này đã dừng tiếp nhận lao động làm việc trong lĩnh vực đánh bắt cá gần bờ và chăm sóc người bệnh, giúp việc gia đình.
Giai đoạn đầu, qua gần 4 năm làm việc với thị trường Đài Loan, tính đến tháng 6/2003, chúng ta đã đưa được tổng cộng 37.607 lượt lao động sang làm việc. Con số lao động đưa đi tăng đều đặn qua từng năm và đặc biệt tăng mạnh nhất từ tháng 8/2002, khi Uỷ ban lao động Đài Loan (CLA) thực hiện lệnh tạm thời “đông kết” đối với lao động Indonesia do các rắc rối về chính trị và có tỷ lệ bỏ trốn quá cao, các chủ sử dụng Đài Loan đã tăng cường tuyển mộ lao động Việt Nam. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2003, chúng ta đã đưa được 11.158 lao động sang Đài Loan làm việc, nhiều hơn 442 người so với con số 10.716 lao động của cả năm 2002. Tức là từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng chúng ta xuất được gần 2.000 lao động sang thị trường này. Số lượng lao động Việt Nam liên tục tăng trong bối cảnh lao động của các nước khác ở Đài Loan như Indonesia và ngay cả Thái Lan có dấu hiệu giảm mạnh do nền kinh tế Đài Loan thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn đã khẳng định vị thế của lao động nước ta tại thị trường này.
Lao động Việt Nam tại Đài Loan chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực giúp việc gia đình và khán hộ công, công nhân công xưởng (điện tử, dệt may, cơ khí v.v..), thuyền viên và một bộ phận nhỏ làm việc trong ngành xây dựng. Theo thống kê, tính đến hết tháng 5/2003, trong số 39.675 lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan có 23.939 lao động (chiếm 60,3%) là giúp việc gia đình và khán hộ công, 13.561 người (chiếm 34,2%) là công nhân công xưởng làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, 1.833 thuyền viên (chiếm 4,6%) và 342 công nhân xây dựng (chiếm 0,9%).
Việc làm và thu nhập của người lao động tại Đài Loan tương đối ổn định. Lương cơ bản của người lao động là 15.840 Đài tệ/tháng (khoảng 450 USD), sau khi trừ đi các khoản chi phí mức lương bình quân được từ 250 – 300 USD/tháng, không ít lao động Việt Nam có mức thu nhập 400 – 600 USD/tháng, thậm chí cá biệt có lao động thu nhập gần 1000 USD/ tháng. Hiện chưa có một con số chính thức về lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam từ các lao động của ta từ Đài Loan nhưng con số ước tính với bình quân trên 37.000 lao động, hàng năm chúng ta có thể nhận được gần 200 triệu USD từ thị trường này.
Tuy nhiên, do tình trạng lao động bỏ trốn nghiêm trọng, Đài Loan đã áp đặt lệnh cấm tiếp nhận lao động là ngư dân Việt Nam vào tháng 5/2004 và ngừng nhận người giúp việc Việt Nam từ tháng 1/2005.
Tháng 3/2015 vừa qua, sau 10 năm cấm tiếp nhận lao động Việt Nam, lệnh cấm mới được dỡ bỏ. Bộ trưởng Lao động Đài Loan Trần Hùng Văn cho biết: “Dỡ bỏ lệnh cấm tiếp nhận lao động Việt Nam là một trong những phương án của Đài Loan và chúng tôi cũng đang đàm phán với những nước khác (về việc tiếp nhận lao động của họ).” Ông Trần Hùng Văn nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, sau khi Việt Nam bắt đầu xử phạt nghiêm khắc lao động bỏ trốn, tình hình đã được cải thiện.”
Theo số liệu của Bộ Lao động Đài Loan, tính đến cuối tháng 1/2015, Indonesia là nước xuất khẩu nhiều lao động nhất sang Đài Loan, chiếm 41,6% trong tổng số 556.412 người lao động nước ngoài tại hòn đảo này (231.489 người).
Tuy nhiên, tháng Hai vừa qua, Indonesia tuyên bố sẽ giảm dần số lượng lao động là người giúp việc xuất khẩu sang Đài Loan, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Macau cũng như các nước và vùng lãnh thổ khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bắt đầu từ năm 2017.
Việc tiếp tục xuất khẩu lao động sang Đài Loan, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, là kết quả của cơ quan chức năng hai bên đã thảo luận và thống nhất xong những vướng mắc. Đồng thời do thực tế có rất ít các công ty dịch vụ việc làm Đài Loan tiếp nhận lao động thuyền viên tàu cá gần bờ được phía Đài Loan xếp loại A, nên các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia cung ứng lao động thuyền viên tàu cá được phía Đài Loan xếp loại B theo kết quả đánh giá, xếp loại mới nhất. Các công ty tiếp nhận thuyền viên tàu cá của Đài Loan phải có tài liệu chứng minh kinh nghiệm bằng các báo cáo số lượng thuyền viên tàu cá gần bờ đã tiếp nhận và quản lý có xác nhận của chủ tàu, hoặc của các Hội nghề, Công hội, Hiệp hội dịch vụ việc làm mà công ty là thành viên.