Xuất khẩu gạo: DN bỏ cuộc vì... điều kiện quá khó?

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở Việt Nam hiện có trên 230 nhà xuất khẩu gạo, nhưng số doanh nghiệp đủ sức xuất khẩu vài triệu tấn gạo/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ đi thu gom lúa gạo của thương lái và "ăn" trên đầu trên cổ nông dân.

Để hạn chế tình trạng này, Nghị định 109/CP ra đời. Theo yêu cầu của Nghị định 109, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đáp ứng các yêu cầu: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ NN&PTNT ban hành và có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là yêu cầu quá ngặt nghèo và một số doanh nghiệp đã phải bỏ cuộc chơi do không đáp ứng được yêu cầu. Mới đây, việc thực hiện Nghị định đã được gia hạn đến 1-10-2012, tức là thêm 1 năm so với thời hạn cũ. Tuy nhiên, cho dù được gia hạn đi nữa thì trong bối cảnh khan hiếm vốn như hiện nay cũng không mấy doanh nghiệp đủ sức đầu tư nhà kho, cơ sở xay xát. Không tính đất đai, chỉ riêng phần đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, doanh nghiệp đã phải vay 30 - 40 tỷ đồng với mức lãi suất cao để có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu. Nhưng việc đầu tư lại rất mạo hiểm khi không có gì đảm bảo sẽ có hợp đồng xuất khẩu tương ứng. Trong khi đó, ở ĐBSCL, kho lúa gạo mọc như nấm nhưng chủ yếu lại đang nằm không.


Theo nhiều chuyên gia, Nghị định 109 mặc dù giúp loại bỏ bớt một phần đầu mối nhỏ lẻ, nhưng làm hạn chế cạnh tranh vì xóa bỏ các doanh nghiệp nhỏ. Nếu Chính phủ ấn định được giá sàn, nghiêm trị được các doanh nghiệp bán dưới giá sàn, chúng ta sẽ chẳng cần phải quan tâm đến chuyện doanh nghiệp có kho chứa hay không.


Để gỡ khó cho doanh nghiệp, có ý kiến đề nghị Nhà nước hỗ trợ về chính sách vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, chuyển quyền sử dụng đất…Có ý kiến đề xuất thành lập công ty cổ phần nông nghiệp, theo đó, nông dân là cổ đông của công ty này. Công ty phải có đủ vùng nguyên liệu, nhà máy sấy, nhà máy xay xát chế biến gạo, kho dự trữ, nhà máy bao bì, làm thương hiệu… Bản thân nhà nông cũng phải biết gắn kết với nhau trên phạm vi một vài xã để có chung vùng nguyên liệu. Khi đó, vị thế của nhà nông sẽ được nâng cao và họ không còn bị thiệt thòi do bị ép giá bởi các thương lái và các “nhà” xuất khẩu nhỏ lẻ nữa.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gạo: DN bỏ cuộc vì... điều kiện quá khó?