60 mùa xuân đã trôi qua, đáp lại tình cảm và lòng mong mỏi của Bác, đồng bào 22 dân tộc anh em sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang cố gắng để làm thức dậy một vùng đá hoang vu.
Cách đây tròn sáu thập kỷ, hàng nghìn thanh niên đến từ các tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và Nam Định - Hải Dương đã cùng nhau lao động miệt mài suốt 7-8 năm trời, toàn tay trần cầm xà beng, cuốc xẻng chọi vào cao nguyên đá để tạo nên một kỳ quan dựng giữa đất trời. Đó là đường Hạnh Phúc - con đường mà Bác Hồ đã đặt tên với mong muốn nó sẽ mang lại ấm no, hạnh phúc cho 8 vạn đồng bào đang sinh sống phía sau cổng trời Quản Bạ.
Đào đã nở hoa trên đá
Khát vọng “đội đá vá trời”
60 mùa xuân đã trôi qua, đáp lại tình cảm và lòng mong mỏi của Bác, đồng bào 22 dân tộc anh em sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang cố gắng để làm thức dậy một vùng đá hoang vu. So sánh văn hoa một chút, nếu Cao nguyên đá Đồng Văn giống như vầng trán kiêu hãnh và nhiều trăn trở của Đất mẹ thì trên vầng trán ấy, đường Hạnh Phúc như một sợi chỉ mỏng manh vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác tựa như một nếp nhăn. Nói như nhà thơ Hùng Đình Quý, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, “tác giả” của Cờ thiêng Lũng Cú thì nếu như đường Hồ Chí Minh là biểu tượng của lòng quả cảm, tinh thần yêu nước sâu sắc, thì đường Hạnh Phúc là biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc, là lý tưởng, là chứng tích về lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam. Bởi bằng khát vọng “Nữ Oa đội đá vá trời”, hàng vạn thanh niên của 8 tỉnh đã mở ra được con đường chạy giữa biển đá sau một thời gian dài bằng cả đời người.
Ông Sùng Đại Dùng (1931- 2014), nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang, nguyên Bí thư Đoàn thanh niên, “Tổng chỉ huy” hàng vạn thanh niên xung phong của 18 dân tộc thuộc 8 tỉnh phá đá mở đường Hạnh Phúc đã từng kể rằng: Khi đó, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, hàng nghìn thanh niên xung phong từ tám tỉnh đã lên Hà Giang để làm đường. Nhưng khi vừa mới khởi công chưa bao lâu thì bị bọn thổ phỉ bắt đầu phá hoại. Bọn chúng giết hại một số cán bộ và bà con. Chúng cho người tung tin xấu và vu rằng bao giờ đá mọc trên đầu người, bao giờ con dê đực biết đẻ thì người thanh niên mới mở được đường vào Đồng Văn.
Bọn thổ phỉ càng rêu rao thì tinh thần làm việc của thanh niên xung phong càng mạnh mẽ. Ngày ấy cả nước còn khó khăn, người tham gia mở đường không có nhiều chế độ đãi ngộ, phương tiện làm đường chỉ dựa vào cuốc, xẻng, một ít thuốc nổ dùng hết sức dè sẻn. Cả nghìn người dùng sức để chọi lại với đá, cần mẫn mở từng mét đường lấn sâu vào lòng cao nguyên.
Những con người nhỏ bé treo mình trên những sợi thừng to bằng cổ tay. Họ treo mình trên đá, gồng tay trổ vào đá những âm thanh đục khấc, chát chúa khiến cao nguyên vang vọng những âm hưởng rộn ràng của sự sống. Đường mở ra đến đâu, bà con các dân tộc kéo từ trên núi xuống để đổi gạo, muối, nhu yếu phẩm và không kém quan trọng là để... nhìn cho rõ cái xe ô tô mặt mũi nó thế nào. Kỳ tích của sự đoàn kết các dân tộc anh em và sức trẻ đã đánh thức một vùng cao nguyên mênh mông, chấm dứt những chuỗi ngày mê mụ tin theo những điều hoang đường của những kẻ có dã tâm.
Bà Sùng Thị Mùa: “Từ ngày có đường Hạnh Phúc, đời sống của chúng tôi cũng đỡ khổ rất nhiều!”
Ngay ở những ngày tháng cuối đời, ông Dùng vẫn không thể quên được những kỷ niệm buồn vui trong suốt tám năm vắt mình trên đá của mình và đồng đội. Đã có biết bao tình yêu được nở hoa trên đá. Nhiều đôi trai gái thuộc mười sáu dân tộc khác nhau đã se duyên và tạo lập thành tổ ấm trong quá trình làm đường. Và, cả những sự hi sinh, mất mát không thể nguôi quên. Người cán bộ lão thành dân tộc Mông ấy đã từng nói rằng, công trường làm đường Hạnh Phúc đã dạy ông hiểu được hạnh phúc là cho những gì mình quý, mình yêu, làm mọi việc tốt để người xung quanh mình được hạnh phúc. Giờ “lão tướng biên thùy” Sùng Đại Dùng đã vĩnh viễn nằm lại với cao nguyên đá, nhưng công trạng của ông với con đường Hạnh phúc mãi mãi được đồng bào sống sau cổng trời nhắc nhớ. Ấn tượng nhất trong quá trình làm đường Hạnh phúc có lẽ là đoạn thông đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc. Dốc Mã Pí Lèng dựng đứng là thách thức rất lớn đối với sức trẻ trên đại công trường. Vậy là Đội cơ dũng gồm 17 người là những kiện tướng đục lỗ troòng có sức khỏe và giàu kinh nghiệm phá đá. Mỗi sáng, Đội cơ dũng thắt dây an toàn rồi được thả từ đỉnh núi xuống dưới vực. Suốt một ngày, họ treo mình như thằn lằn trên đá lạnh, thậm chí luôn đung đưa bởi gió núi mây ngàn, chỉ cần sơ sẩy là rơi xuống dòng Nho Quế nhỏ như một sợi chỉ ở phía dưới. Thậm chí, chỉ huy công trường đã phải cho đóng sẵn mười cỗ quan tài để phòng trường hợp rủi ro.
Chả thế mà lịch sử khai sơn phá thạch làm đường Thanh niên Việt Bắc (tên gọi khác của đường Hạnh Phúc) đã lưu cho mai hậu cả một khu “Nghĩa trang Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc” ở huyện lỵ Yên Minh, nơi dành riêng để chôn cất, tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống cho con đường dài gần 200km được khai sinh. Họ đã đánh thức, giác ngộ cả một miền đất mẹ mênh mông bị chìm khuất trong mây mù tự hồng hoang và không ít lầm lạc trong những khúc quanh của lịch sử, khi mà kẻ xấu đã đóng cổng trời lừa mị đồng bào.
Thức dậy một vùng biên viễn
Sáu mươi mùa xuân đã trôi qua, con đường Hạnh phúc vẫn còn đó với hai làn xe chạy giữa lòng cao nguyên đá mênh mông như một chứng tích về lòng quả cảm, sự hi sinh, là biểu hiện của tình đoàn kết các dân tộc, lý tưởng của tuổi trẻ. Con đường ấy đã và đang mang lại những mùa xuân ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên hùng vĩ.
Xưa kia, khi đường Hạnh phúc chưa được khai sinh, khắp vùng cao nguyên đá, đi từ bản trên đến bản dưới, đâu đâu cũng gặp “con nghiện”. Cả miền rừng ám khói phù dung. Đám trẻ chẳng mấy khi có được một bữa mèn mén no, nhưng lúc nào khói thuốc phiện cũng thơm lừng khắp núi. Cây anh túc có tự bao giờ, dân bản cũng chẳng ai nhớ nổi, chỉ biết là khi cái đồn Lũng Thùng do thực dân Pháp dựng lên chắn Quản Bạ - Thái An, Bảo Lạc - Du Tiến - Lũng Hồ thì “thằng Tây” đã bắt đồng bào nộp thuế bằng thuốc phiện.
“Ngày đó, bếp lửa nhà nào cũng lạnh ngắt. Đám thanh niên vốn khoẻ như con hổ, con beo với đôi tay mạnh như cánh ná cũng bị “con ma thuốc phiện” hút cho rạc rày, uể oải, không cầm nổi cái rựa, cái dao, cái cuốc để lên nương. Bản làng bao đời bình yên, không có người xấu vậy mà bấy giờ con trâu, con gà cũng chẳng dám nhốt dưới nhà. Kiếp người mờ mịt, như con trâu, con ngựa bị bọn quan lang, phìa tạo trói chặt bởi bàn đèn, bởi nhựa cây thuốc phiện”, bà Sùng Thị Mùa, 78 tuổi, ở Lùng Pủng, Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang kể.
Thế nhưng, kể từ khi đường Hạnh phúc được mở ra, những lầm than, tăm tối của đồng bào cũng dần được xua tan. Rất nhiều đoàn công tác của tỉnh, của huyện xuống các bản tuyên truyền, thuyết phục đồng bào nhổ bỏ, không trồng cây thuốc phiện. Rồi cán bộ lại “ba cùng” với đồng bào để hướng dẫn họ trồng trọt, làm ăn kinh tế. Cũng kể từ khi có con đường, hàng hóa dưới xuôi lên với cao nguyên đá cũng nhanh hơn, đầy đủ hơn và ngược lại, vật phẩm, nông sản xuôi cổng trời Quản Bạ về thành phố cũng không còn bị tư thương ép giá như ngày trước. Hàng quán, phố xá cũng theo đường mọc lên, bọn trẻ Mông, Dao, Tày, Giáy dẫu ở tận bản xa cũng đã biết đến hình dáng chiếc ô tô, xe máy…
Sặc sỡ chợ phiên ngày Tết
Một mùa xuân nữa lại sắp về. Dọc theo quốc lộ 4C, tên gọi khác của đường Hạnh phúc, ngay từ phía Tp. Hà Giang, hương vị tết đã dậy lên qua những bộ trang phục sặc sỡ của đồng bào Mông, Dao, Tày, Giáy, Lô Lô. Năm nay, dường như xuân đến sớm. Trên những nương đá tai mèo rợn ngợp, thỉnh thoảng lại bất chợt hiện lên những thân đào rêu mốc, xù xì, cành dày đặc nụ kiêu hãnh bung nở giữa hoang hoải màu đá thâm trầm và lạnh lẽo. Từ khắp các bản làng, từng đoàn người gùi mang măng, khoai, sắn, gà, lợn, đồ thổ cẩm… dũi lút vào mây tìm đường xuống chợ.
Chỉ cần một lần lạc vào cái phiên chợ Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn ngày cận tết là thấy được cái hương vị hoang sơ khoáng đạt của người vùng cao nó quyến rũ thế nào. Người đến từ những đỉnh núi xa, họ uống vài chén rượu, chao nghiêng người leo núi như những cánh đại bàng. Có cô em gái người Mông má đỏ hây hây ngồi nổi lửa nướng ngô. Khói thơm bay vòng vòng khắp chợ. Có bà cụ bán xôi bảy màu ướp tẩm, nhuộm quết toàn bằng lá với rễ cây rừng. Rất lành và ngồ ngộ. Có ông cụ chỉ ẵm một con mèo con xuống chợ. Mèo bậu trên đầu gối, thỉnh thoảng ngo ngoe kêu như nhớ mẹ. Có bà mẹ lưng địu con, tay cầm một bó dây thừng ngoằng ngoẵng, mỗi sợi dây buộc cổ một con lợn con con. Chốc chốc chúng lại lồng lên đòi lẩn lách vào rừng. Đàn lợn ấy, cô bán lấy tiền sắm tết. Khách dạm hỏi, dù mua hay không, cô cũng cười. Nụ cười lấp lóa răng vàng...
Đồng Văn, nơi được xem là “trái tim của Cao nguyên đá”, với những dãy phố cũ, thềm đá, nền đá và những cây cột đá ám khói mèn mén, thắng cố và bễ lò rèn đốt lên từ hàng nghìn phiên chợ miền rừng này như có hồn để níu kéo khách thượng sơn. Nó như một món đặc sản ướp ủ trong giá lạnh, sương muối và những cơn gió cao nguyên khoáng đạt. Phố cổ Đồng Văn về đêm, thâm nâu, thâm trầm mà vạm vỡ. Trước Tết cả tuần, đèn lồng đỏ đã được đốt lên bên hiên những mái nhà cong nghiêng, cũ càng có lớp có trang của cả trăm năm sử núi.
Người ta bảo rằng, tết của người vùng cao đến sớm hơn tết miền xuôi. Có lẽ tại ông Trời châm lửa, thắp đỏ cho hoa đào theo cái cách châm từ trên đỉnh núi cao, châm dần xuống chân núi, xuống gò đồi trung du, rồi mới về đồng bằng châu thổ bãi bồi. Lưỡi khí xuân liếm đến đâu, hoa đào bung sắc tới đó. Xuân vùng cao bao giờ cũng đến sớm. Người Hà Nội vừa mới rục rịch lo sắm tết thì người vùng cao đã giết dê, giết lợn, giết bò… ăn với nhau rất nhiều bữa tiệc núi rồi.
Quả thật, những ngày này, đi từ Quản Bạ lên Yên Minh, Đồng Văn rồi vòng về Mèo Vạc, đâu đâu cũng bắt gặp những vườn mận, vườn đào nhiều nụ hoa đã bung cánh tự bao giờ. Bên trong những ngôi nhà trình đất đơn sơ, thảng hoặc đã nghe hương nếp nương đung đưa trong khói lam chiều. Vậy là mùa xuân đã về, trên cao nguyên đá.