Xử lý nợ đọng BHXH: Cần nhiều biện pháp phối hợp

Lan Trần| 02/03/2017 06:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Nếu tính cả số nợ từ năm 2016 thì đến hết tháng 2/2017, nợ BHXH ước tính khoảng 14.800 tỷ đồng.

Hơn 14 nghìn tỷ nợ đọng BHXH

Thông tin được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra trong cuộc họp thông tin định kỳ BHXH, BHYT tháng 2/2017 cho thấy số nợ BHXH ước tính hết tháng 2/2017 khoảng 14.800 tỷ đồng, gồm cả số nợ từ năm 2016.

Theo ông Bùi Quang Huy, Phó Chánh Văn Phòng BHXH Việt Nam, việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT những tháng đầu năm tiếp tục gia tăng.

Xử lý nợ đọng BHXH: Cần nhiều biện pháp phối hợp

Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT những tháng đầu năm tiếp tục gia tăng

Có một thực tế đã từng được BHXH Việt Nam chia sẻ là năm 2016 dù số nợ BHXH, BHYT, BHTN có giảm hơn năm trước nhưng vẫn cao, chưa khắc phục được những tồn tại, vướng mắc như nợ không còn khả năng thu hồi, nợ tại các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Nhiều doanh nghiệp không thuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, tìm cách trốn đóng, đóng không đầy đủ chế độ BHXH, BHYT cho người lao động.

Một thông tin đáng lưu ý là đã có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội mất khả năng đòi. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm. Theo quy định của Luật BHXH, những doanh nghiệp đang làm hồ sơ giải thể, phá sản hoặc đã giải thể, phá sản nhưng không có nguồn tài chính để thanh toán bảo hiểm xã hội, thì cơ quan BHXH  được phép chốt sổ đến thời điểm đơn vị đã trả cho người lao động.

Với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ban Thu (BHXH Việt Nam) đã đề xuất phương án doanh nghiệp đóng cho người lao động được đến đâu thì chốt sổ đến đó để người lao động được cầm sổ sang đơn vị mới, có thể làm căn cứ để hưởng quyền lợi. Khi đơn vị đó đóng được phần nợ Bảo hiểm xã hội sẽ ghi bổ sung vào sổ sau.

Cần nhiều biện pháp trong xử lý nợ

Từ 1.7.2016 khi Luật Tố tụng dân sự có hiệu lực, tổ chức Công đoàn chính thức tiếp nhận nhiệm vụ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ký kết Quy chế phối hợp với BHXH Việt Nam về cung cấp thông tin định kỳ (số tiền nợ, thời gian nợ...). Đến nay, đã có 59/63 LĐLĐ tỉnh, thành phố ký kết Quy chế phối hợp với BHXH đồng cấp.

Trước tình trạng nợ đọng BHXH, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tổ chức Công đoàn đã tiến hành khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH ra tòa. Ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết năm 2016, 52 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trên cả nước đã nhận được từ cơ quan BHXH hơn 1.150 hồ sơ doanh nghiệp có số tiền nợ đọng BHXH. Trên cơ sở thông tin từ BHXH cung cấp, đã có 11 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố hoàn thiện hồ sơ, tiến hành khởi kiện ra tòa án 76 doanh nghiệp.

Ông Quảng cũng cho biết, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trong tháng 2/2017, 16 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục khởi kiện ra tòa 74 doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Như vậy, tính đến hết tháng 2/2017, tổ chức công đoàn tại các tỉnh, thành phố đã khởi kiện hơn 150 doanh nghiệp nợ BHXH để đòi lại quyền lợi cho người lao động.

Thực tế là hiện nay nhiều công đoàn cơ sở chưa đủ sức, cả về năng lực, trình độ pháp lý, bản lĩnh để khởi kiện chủ doanh nghiệp của mình. Vì thế ông Lê Đình Quảng  cho rằng khởi kiện chỉ là một trong những biện pháp để giảm thiểu nợ đọng BHXH chứ không phải là giải pháp chính để thu hồi nợ. Biện pháp quan trọng là thanh tra, kiểm tra xử phạt doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH.

Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết là một số Liên đoàn Lao động địa phương phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, truy thu nợ BHXH, thông báo dự kiến khởi kiện và nhắc nhở các doanh nghiệp nộp số tiền nợ. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng lộ trình nộp tiền nợ BHXH. Tổng số tiền thu hồi được qua hình thức này là gần 211 tỉ đồng, như: TP.Hồ Chí minh có 379 doanh nghiệp nộp 176 tỉ đồng; Hà Nội 4,6 tỉ đồng; Khánh Hòa 4,7 tỉ đồng, Đồng Nai có 62 doanh nghiệp nộp 1,9 tỉ đồng.

Theo con số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính hết tháng 2/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13 triệu người, trong đó,  BHTN là 11,2 triệu người và BHXH tự nguyện là 225.000 người. Số người tham gia BHYT là 76,1 triệu, đạt tỷ lệ bao phủ 82% dân số. Và để bảo đảm quyền lợi của người lao động, trong năm 2017,  BHXH các tỉnh, thành phố sẽ  cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng; thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; ngăn ngừa hành vi trục lợi; đảm bảo cân đối quỹ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng sẽ tổ chức họp liên ngành với các cơ quan liên quan nhằm xem xét, tháo gỡ những vướng mắc  để những quy định về công đoàn khởi kiện được triển khai được hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nợ đọng BHXH: Cần nhiều biện pháp phối hợp