Xã hội

Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn: Tạo thành ý thức, thói quen của người tham gia giao thông

Gia Ân-Hoàng Yến 02/04/2024 - 10:02

Sự quyết liệt của lực lượng chức năng đối với việc kiểm tra và xử phạt vi phạm nồng độ cồn được triển khai triệt để trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của người dân về rượu bia. Ở các bữa tiệc, nhiều người chẳng những không ép rượu mà còn nhắc nhau: “đã lái xe thì không uống rượu bia”.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã đưa ra quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn trong máu và hơi thở điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cụ thể hóa quy định này, Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Đối với người điều khiển xe mô tô, mức phạt cao nhất có thể lên tới 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ nếu vi phạm về nồng độ cồn cũng có thể bị xử phạt mức 400 - 600 ngàn đồng.

Chế tài xử phạt nặng, cộng với tinh thần làm việc nghiêm túc, quyết liệt của lực lượng chức năng đã góp phần quan trọng điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông theo hướng tích cực hơn. Cụ thể trong quý 1 năm 2024, các ca tuần tra kiểm soát trên tuyến QL48 (Nghệ An) không ghi nhận trường hợp lái ô tô nào vi phạm về nồng độ cồn.

Chỉ còn rải rác vài trường hợp điều khiển xe máy có vi phạm, nhưng không đáng kể. Giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước. Nói về điều này, Thiếu tá Nguyễn Công Lĩnh, đội phó Đội CSGT đường bộ số 1 cho hay: “Chúng tôi tiến hành tuần tra kiểm soát 24/24 với nhân vật lực đầy đủ.

Tránh tâm lý chủ quan của người tham gia giao thông và hành động né chốt của các tài xế. Sự kiên quyết của chúng tôi đã góp phần mang lại những kết quả tích cực. Hiện nay, hầu như người điều khiển ô tô không ghi nhận trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn.

Chỉ còn rải rác một số trường hợp điều khiển xe máy vi phạm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì tinh thần làm việc này để triệt để hơn quan điểm: “đã uống rượu bia thì không lái xe” trong Nhân dân”.

Từ vài năm nay, việc kiểm tra và xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được thực hiện nghiêm và gần như tạo thành nếp trong cả năm. Điều này tạo nên một nề nếp mới trong các buổi tiệc, những cuộc gặp gỡ.

Rượu bia vẫn có trên mâm, nhưng không dành cho tài xế. Chẳng những không ép nhau uống như thói quen xấu tồn tại bao nhiêu năm trước, khi nâng chén, người cùng mâm thậm chí còn nhắc nhở nhau tuân thủ quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Hoa, người dân phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hoà (Nghệ An), cho hay: “Chúng tôi thường nhắc nhở con cháu, người quen là không được uống rượu bia để lái xe an toàn, và cũng không bị xử phạt. Đó đã thành nếp nghĩ, phương châm hành động trong gia đình chúng tôi”.

Việc kiểm soát, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn triệt để như thời gian qua nếu tiếp tục được duy trì thì sẽ không lâu nữa cái gọi là “văn hóa ép rượu” sẽ bị xóa bỏ.

Nhờ đó khái niệm “văn hóa uống rượu” sẽ trở về đúng với ý nghĩa của nó - uống một cách có văn hóa, vừa đủ để vui vẻ trong các cuộc gặp gỡ chứ không say sưa, và đặc biệt đã uống thì không lái xe.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn: Tạo thành ý thức, thói quen của người tham gia giao thông